Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an phối hợp đẩy lùi tín dụng đen

          Nhằm đầy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như khả năng tiếp cận vốn tin dụng ngân hàng cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng tín dụng đen và trao tạng an sinh xã hội, ngày 17/10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đầu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội” tại tỉnh Hoà Bình. Đồng chí Đào Minh Tú – Phó Thống đốc thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Thượng tướng Nguyễn Văn Thành – Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng – Thứ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì hội nghị.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú (thứ hai từ bên phải) và Thượng tướng Nguyễn Văn Thành – Thứ trưởng Bộ Công an (thứ hai từ bên trái) đồng chủ trì Hội nghị

         Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình; đồng chí Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Tiến Sinh – Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình.

        Về phía ngành Ngân hàng còn có đại diện lãnh đạo Vụ Truyền thông NHNN, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình; lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội…. Về phía Bộ Công an có đại diện Lãnh đạo Cục Truyền thông Công an nhân dân, Cục Cảnh sát hình sự, Báo Công an nhân dân, Công an tỉnh Hoà Bình. Ngoài ra, còn có Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình; đại diện chính quyền địa phương và hơn 300 người dân huyện Kim Bôi và huyện Lạc Thủy.

Ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt giải pháp đẩy lùi tín dụng đen

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống của người dân, doanh nghiệp, góp phần cùng với Bộ Công An đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen. Trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình, NHNN đã chủ động khảo sát tại một số tỉnh, thành phố là điểm nóng về tín dụng đen, tổ chức các hội nghị bàn về các giải pháp nhăm mở rộng tín dụng, hạn chế tín dụng đen, phối hợp với các tổ chính chính trị – xã hội nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức cho người dân.

Tháng 3/2018, ngành Ngân hàng đã tổ chức hội nghị ngăn chặn tín dụng đen tại tỉnh Gia Lai; Bộ Công an cũng đã vào cuộc đồng bộ trên toàn quốc với nhiều biện pháp ngăn chặn, trấn áp quyết liệt. Từ đó, hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều mô hình tín dụng, các gói sản phẩm phù để đưa vốn đến với người dân vùng sâu vùng xa, giúp bà con vay được vốn nhanh nhất. Là một trong những địa phương khó khăn của cả nước, với đặc thù là nhiều thành phần dân tộc sinh sống, tỉnh Hòa Bình từ lâu cũng đã nằm trong “bản đồ” mà các đối tượng tín dụng đen nhắm tới và mở rộng địa bàn hoạt động. Vì vậy, nơi đây được chọn tổ chức Hội nghị mở đầu cho chuỗi hoạt động tiếp theo về ngăn chặn tín dụng đen.

“Tức là người đi vay cần chủ động đến ngân hàng, vì thực tế, tín dụng đen đã làm việc này từ trước, khi chui vào từng lối xóm, ngõ ngách để chào mời. Phía ngân hàng, tín dụng chính thức cũng sẽ chủ động đến với bà con – điều này sẽ thành chỉ thị của ngành Ngân hàng: tuyên truyền, tờ rơi để bà con nắm thông tin về các khoản vay. Thí điểm đầu tiên sẽ là ở Lạc Thủy”, Phó Thống đốc thường trực NHNN nhấn mạnh và cho biết ngành ngân hàng cam kết thủ tục đơn giản, thuận lợi, song với điều kiện thiện chí từ cả phía người vay: lần đầu thì phải chứng minh để quen biết, nhưng vay xong sẽ trả, sử dụng vốn vay đúng mục đích, thì những lần sau, ngân hàng sẽ cho vay rất nhanh chóng. Ngoài ra, đại diện ngành Ngân hàng cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở thôn xã nắm được cuộc sống của bà con, hỗ trợ giúp xác nhận thân nhân của bà con để xác nhận thông tin. Nếu tất cả cùng vào cuộc sẽ thành công trong việc tiếp cận tín dụng chính thức, đẩy lùi tín dụng đen.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo Hội nghị

 

Các giải pháp mà ngành ngân hàng đã thực hiện như sửa đổi quy định về cho vay của công ty tài chính tiêu dùng; Ban hành mới các văn bản hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Triển khai cho vay tái cấp vốn để cho vay lãi suất 0% đối với người lao động bị ngừng việc cho dịch Covid-19; Điều chỉnh lộ trình áp dụng các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội hoàn thiện phương án mở rộng cho vay tiêu dùng… Hiện NHNN đang làm đầu mối xây dựng đề án cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động của fintech trong lĩnh vực ngân hàng; thí điểm áp dụng mobile money; chỉ đạo các tổ chức tài chính mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, giảm lãi suất, đơn giản hoá thủ tục hành chính nhằm giúp người dân tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức… Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Toàn cảnh Hội nghị

 

Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng qua các kênh tín dụng chính thức. Các TCTD đã đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như cho vay liên vụ, cho tín dụng, vay vốn thông qua các Tổ, nhóm của các tổ chức chính trị – xã hội, cho vay qua số vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay, triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng để thực hiện các nghiệp vụ như cho vay, thu nợ, mở tài khoản, huy động tiết kiệm, chi trả kiều hối, phát hành thẻ, nộp Ngân sách Nhà nước… Agribank đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, theo đó khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng; đến cuối năm 2019 Agribank tiếp tục ban hành chương trình cho vay thẻ thấu chi tại thị trường nông thôn (sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ).

Mạng lưới TCTD, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền được mở rộng và phát triển nhằm gia tăng tiếp cận dịch vụ đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng, qua đó góp phân đây lùi “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường, cùng với việc chỉ đạo hệ thống ngân hàng quản lý cán bộ, nhân viên không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”…

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành – Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành – Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh mục tiêu của Hội nghị cũng như xuyên suốt trong cả quá trình là ngăn chặn tín dụng đen và mở rộng tín dụng ngân hàng. Đánh giá 1 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen với cách làm đã rất đổi mới về nội dung cũng như cách tiếp cận, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành thông tin Interpol cũng đã có nhiều cuộc tập huấn về chống tín dụng đen, cho thấy vấn đề này là của nhiều nước, hết sức nguy cơ, nguy hại. 

Ở Việt Nam, đặc trưng của tín dụng đen là tổ chức cho vay và nhóm tín dụng này không đủ tư cách pháp nhân, tự quy định các mức lãi trái pháp luật, với hình thức điều kiện cho vay trái quy định, tổ chức thu hồi nợ trái pháp luật: bạo lực cả về tinh thần, biện pháp cưỡng bức đòi nợ siết nợ, gây khó khăn cho TAND các cấp về xét xử vì khi vay thì không có hợp đồng, đối tượng cho vay lại không đủ tư cách pháp nhân, chui nhủi. Cùng với đó, trong thời đại công nghệ số, các đối tượng đã sử dụng các phần mềm công nghệ để mở rộng địa bàn hoạt động tín dụng đen, cũng một phần xuất phát từ nhu cầu không thế chấp điều kiện vay vốn, hai là 1 bộ phận thanh thiếu niên vay vốn sử dụng không chính đáng”, Thứ trưởng phân tích. 

Thứ trưởng chỉ đạo và nhắc nhở lực lượng công an công nghệ cao chủ động phòng chống, xử lý nghiêm các tội phạm sử dụng công nghệ để biến tướng hình thức tín dụng đen. Riêng với lĩnh vực tín dụng ngân hàng, Thứ trưởng nhắc đến những hộ gia đình làm kinh tế giỏi từ vốn tín dụng chỉ với mức vay 20-25 triệu đồng, khuyến khích nhân rộng và phát triển đối tượng phục vụ. Song, Thứ trưởng cũng mong muốn tín dụng cần tập trung vào 3 giảm: giảm thời gian, chi phí và giấy tờ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó là phải đảm bảo an toàn tín dụng; chính quyền, Công an cơ sở phải hỗ trợ để đảm bảo an ninh tín dụng, phát triển bền vững.

Với các giải pháp tích cực nêu trên, hệ thống ngân hàng với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp đến tận thôn bản, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, hệ thống ngân hàng đã và đang đẩy tăng được tín dụng tới các vùng nông thôn – nơi dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm tín dụng đạt 8,69 triệu tỷ đồng thì tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt 2,12 triệu tỷ đồng với 14,17 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,67% tổng dư nợ của nền kinh tế và tăng 5% so với cuối năm 2019. TÍn dụng tiêu dùng, phục vụ đời sống của người dân đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng (tính đến cuối tháng 8), chiếm 19,98% dư nợ của nền kinh tế, tăng 2,37% so với cuối năm trước.

Cần vay vốn, hãy đến hỏi ngân hàng

Tại phiên đối thoại với người dân, lãnh đạo NHNN và Bộ Công an đã trực tiếp giải đáp tất cả câu hỏi của hơn 300 bà con nông dân về tín dụng đen cũng như cách thức tiếp cận vốn vay ngân hàng. Một trong những vấn đề được đề cập tới nhiều nhất đó là cách thức nhận biết hình thức “tín dung đen”. “Liệu tôi vay tiền của người thân có bị coi là vay tín dụng đen không?”; “Hiện nay có rất nhiều ứng dụng điện thoại di dộng cho vay trực tuyến, đây có phải hình thức vay tín dụng đen không?”… Đặc biệt, làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng khi người dân có nhu cầu vay cấp thiết như tổ chức đám cưới, khám chữa bệnh, đóng tiền học phí… cũng là thắc mắc được người dân đặt ra tại Hội nghị.

Nhiều người dân ở huyện Lạc Thủy đặt câu hỏi liên quan đến “tín dụng đen”, vay vốn ngân hàng

Theo Trung tá Ngô Hồng Vương – Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự, “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Trung tá Ngô Hồng Vương đưa ra cách thức nhận diện về tín dụng đen; những quy định của pháp luật liên quan đến tín dụng đen, các thủ đoạn phổ biến, tình huống điển hình, kỹ năng phòng ngừa và giải đáp một số thắc mắc về vấn đề này. Có thể hiểu, “tín dụng đen” có 4 đặc điểm là hình thức cho vay hoặc đi vay dân sự, hoặc huy động vốn; lãi suất cho vay vượt quá lãi suất pháp luật quy định 20%; được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính; việc thu hồi nợ, lãi thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Theo bà Lê Thị Thuý Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN, người dân cũng cần chia sẻ với công ty tài chính vì họ là doanh nghiệp chịu áp lực phải bảo toàn vốn. Tuy nhiên để bảo vệ quyền lợi của người dân khi đi vay von, NHNN đã ban hành Thông tư 43/ 2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Theo đó, công ty tài chính phải đảm bảo minh bạch thông tin trong hợp đồng tín dụng với khách hàng như lãi suất, cách thức giải ngân cũng như các quy định về việc thu hồi nợ.

Trong trường hợp khách hàng không trả nợ đúng hạn, các công ty tài chính phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc đôn đốc thu hồi nợ của các công ty này. Biện pháp đôn đốc thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật nhu không được cảnh cáo đe dọa khách hàng, số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/1 ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ ví dụ như bạn bè, người thân.

Thời gian qua, có một số công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ gây ra những phản cảm trong xã hội; theo quy định hiện hành, các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ này bắt buộc phải đảm bảo thực hiện đúng cam kết trong việc thu hồi nợ như công ty tài chính đã cam kết với người dân. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực ngày 1/1/2021, đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. “Việc Luật Đầu tư sửa đổi cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ góp phần hạn chế những vụ việc do hoạt động đòi nợ thuê gây ra trong thời gian tới” – Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN khẳng định.

Bà Lê Thị Thuý Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN trả lời câu hỏi của người dân tại Hội nghị

Người dân có thể tiếp cận vay vốn chính thức của ngân hàng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, công ty tài chính và chi nhánh ngân hàng nước ngoài trải rộng khắp trên toàn quốc. “Người dân có thể đến các chi nhánh, phòng giao dịch cũng như các điểm giao dịch của hệ thống tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho tiêu dùng và nhu cầu đời sống. Hiện nay, các thủ tục, hồ sơ vay vốn của các ngân hàng cũng rất đơn giản, nhanh chóng nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn vay” – bà Lê Thị Thuý Sen chia sẻ. Bên cạnh việc đến các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người dân có thể đến các tổ chức tài chính vi mô, ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân để tiếp cận các nguồn vốn chính thức.

Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhu cầu tín dụng của bà con hiện tại rất lớn, nhưng chưa thể tiếp cận nhiều với ngân hàng. Nhiều bà con nghĩ đến ngân hàng là rất khó khăn, nhiều thủ tục. Trong khi đó lại có nhiều người lợi dụng chuyện khó khăn, hiểu biết chưa đầy đủ của bà con để phát triển tín dụng đen, cho vay với lãi suất “cắt cổ” khiến cho bà con rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí hết sức đau lòng.

“Thực tế các thủ tục vay vốn ngân hàng rất đơn giản, dễ dàng, lãi suất thấp nếu bà con có nhu cầu vay vốn phục vụ tiêu dùng, sản xuất kinh doanh chính đáng (chứ không phải vay để ăn chơi, lô đề, cờ bạc)” Phó Thống đốc chia sẻ. Nhu cầu vay chính đáng phục vụ cuộc sống là rất cần thiết, Đảng, Chính phủ và hệ thống ngân hàng cũng xác định sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu chính đáng này. Tuy nhiên, khi có ý đinh vay vốn, mong người dân hãy đến ngân hàng hỏi thủ tục, cách thức, lãi suất… Thời gian qua ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu phục vụ đời sống của người dân, doanh nghiệp. Về phía Bộ công an cũng đã triệt phá nhiều ổ nhóm cho vay tín dụng đen, góp phần giữ bình yên cho xã hội.

Về định hướng chính sách, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, phát huy các kết quả đã đạt được cũng như sự thành công của Hội nghị “Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đầu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội” tại tỉnh Hoà Bình”, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ khôi phục nền kinh tế sau giai đoạn Covid-19; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú điều hành phiên đối thoại với người dân

 

Về phía NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, lãnh đạo NHNN yêu cầu tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng và chuyển tải vốn đến người dân một cách hiệu quả nhất. Tăng cường công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức. Song song với đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm liên quan đến tín dụng đen, là những giải pháp NHNN sẽ triển khai trong thời gian tới để hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen.

Để góp phần ngăn chặn, hạn chế tín dụng đen, nhất là tại địa bàn nông thôn, bên cạnh các giải pháp ngành ngân hàng nhằm tăng cường các kênh cung cấp tín dụng chính thức, các đại biểu tham gia hội nghị cho rằng, cần có sự tham gia đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội. Vì vậy, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp triển khai quyết liệt các giải pháp truyền thông cụ thể, tăng cường nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen”; đề ra các giải pháp đồng bộ trong công tác phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ và công tác đánh giá chứng cứ. Nhất là có chế tài đủ sức răn đe đối với các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho “tín dụng đen”.

Ngành ngân hàng với mục tiêu “Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau”

Trong những năm qua, bên cạnh các chính sách an sinh xã hội (ASXH), ngành ngân hàng luôn xác định việc ban hành, triển khai các chính sách tín dụng, hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tín dụng cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác là vấn đề quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh ban hành cơ chế, chính sách tín dụng hỗ trợ người nghèo như tín dụng chính sách, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngành ngân hàng luôn chủ động, tích cực triển khai công tác ASXH, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo của các địa phương theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Mục tiêu hướng tới của ngành ngân hàng trong công tác ASXH trước hết là ý thức cộng động, trách nhiệm với người nghèo, đồng thời hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước là “không để một ai bị bỏ lại phía sau”. Chính vì thế, nhiều năm qua cán bộ nhân viên trong ngành, bằng trách nhiệm cộng đồng, ý thức với người nghèo truyền thống “lá lành đùm lá rách”, hằng năm đều dành một khoản kinh phí đóng góp cho hoạt động ASXH. Khoản kinh phí này trước hết từ chính nguồn đóng góp của cán bộ nhân viên bằng tiền lương của mình; hai là từ Quỹ phúc lợi của TCTD, ngân hàng thương mại tạo ra và nguồn chi phí hợp lý được phép sử dụng cho mục đích ASXH này.

 

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động và nhân dịp ngày 17/10 – Ngày Quốc tế xóa nghèo hàng năm, tại Hội nghị, ngành Ngân hàng đã có 300 suất quà tặng hộ nghèo, gia đình chính sách các xã thuộc huyện Lạc Thủy, huyện Kim Bôi, mỗi huyện 150 suất quà.

 

Nguồn: NHNN Việt Nam

 

WordPress Lightbox