HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG TÂY NINH Tháng 10/2019

Thứ ba - 22/10/2019 07:36 13 0
HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG TÂY NINH Tháng 10/2019

            Tháng 10/2019, hệ thống Ngân hàng Tây Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, lãnh đạo địa phương về hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn. Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, các chỉ tiêu về vốn huy động, dư nợ cho vay đã đạt mức tăng trưởng tốt, nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp và giảm nhẹ so đầu năm; thanh toán không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ khá trên tổng doanh số thanh toán, các dịch vụ ngân hàng tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; hoạt động ATM thông suốt và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động Ngân hàng.

* Trong tháng lãi suất huy động và lãi suất cho vay tương đối ổn định và ở mức hợp lý. Các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn chấp hành tốt quy định về lãi suất của NHNN Việt Nam. Hiện nay lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước huy động mức tối đa là 5,2%/năm, mức phổ biến là 4,5%; đối với các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) mức tối đa là 5,5%/năm. Đối với lãi suất huy động có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng mức tối đa là 8,9%/năm, mức phổ biến 6,6%/năm; lãi suất có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên mức tối đa là 9,0%, mức phổ biến 7,0%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 05 lĩnh vực ưu tiên theo quy định không quá 6,5%/năm (QTDND: 7,5%/năm). Hiện nay các NHTM nhà nước cho vay tối đa là 6,0%/năm. Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường và cho vay tiêu dùng ở mức phổ biến từ 8,5– 11%/năm.

* Vốn huy động ước đến cuối tháng 10/2019 đạt 44.669,5 tỷ đồng, tăng 1,5% so tháng trước (tăng 9,7% so đầu năm), trong đó vốn huy động ngắn hạn ước đạt 30.355,9 tỷ đồng, tăng 1,9% so tháng trước; vốn huy động trung, dài hạn ước đạt 14.313,6 tỷ đồng, tăng 0,7% so tháng trước. Trong tổng nguồn vốn huy động thì nguồn tiền gửi ước đạt 44.319,3 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước, trong đó tiền gửi của tổ chức kinh tế ước đạt 10.488,8 tỷ đồng, tăng 0,5% so tháng trước; tiền gửi dân cư ước đạt 33.830,5 tỷ đồng, tăng 1,7% so tháng trước. Nguồn vốn huy động phát hành giấy tờ có giá ước đạt 350,2 tỷ đồng, tăng 19,1% so tháng trước.

Trong tháng, các TCTD tiếp tục tăng cường huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế, bên cạnh các kênh huy động vốn truyền thống một số NHTM đã đẩy mạnh phát triển kênh huy động vốn qua phát triển thanh toán không dùng tiền mặt như: ATM, internet banking, mobile banking,…; triển khai các chương trình khuyến mại đặc biệt ưu đãi khách hàng nữ nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10; tích cực quảng bá, tiếp xúc, chăm sóc khách hàng,... nên vốn huy động tiếp tục tăng trưởng tốt.

* Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 10/2019 đạt 56.192,3 tỷ đồng, tăng 1,0% so tháng trước (tăng 13,6% so đầu năm), trong đó dư nợ ngắn hạn ước là 36.654 tỷ đồng, chiếm 65,2%/tổng dư nợ, tăng 1,2% so tháng trước; dư nợ cho vay trung, dài hạn ước 19.538,2 tỷ đồng, chiếm 34,8%/tổng dư nợ, tăng 0,6% so tháng trước.

Trong tổng dư nợ, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp ước đạt 17.066,7 tỷ đồng, tăng 2,7% so tháng trước với 1.329 doanh nghiệp; trong đó, dư nợ đối với doanh nghiệp dân doanh ước đạt 16.844,1 tỷ đồng, tăng 2,7% so tháng trước với 1.322 doanh nghiệp. Dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh ước đạt 42.179,6 tỷ đồng, chiếm 75,1% tổng dư nợ, tăng 0,5% so tháng trước; dư nợ cho vay tiêu dùng ước đạt 14.012,6 tỷ đồng, chiếm 24,9% tổng dư nợ, tăng 2,4% so tháng trước.

Trong tháng, các TCTD tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng năm 2019, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, cung ứng các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, phục vụ đời sống chính đáng, cấp thiết của người dân; nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân góp phần hạn chế tín dụng đen; kiểm soát chặt chẽ vốn tín dụng đầu tư vào bất động sản, các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, tuân thủ đúng quy định pháp luật về tín dụng.

Tích cực giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, tạo điều kiện người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình cho vay các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, nhất là cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Các TCTD tiếp tục áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng có năng lực tài chính tốt, khách hàng sử dụng trọn gói sản phẩm tại ngân hàng, áp dụng các chương trình ưu đãi linh hoạt theo quy định đối với khách hàng có năng lực tài chính tốt, phương án kinh doanh khả thi, nguồn trả nợ ổn định…nên nguồn đầu tư tín dụng của các TCTD trên địa bàn tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao.

* Kết quả cho vay một số Chương trình tín dụng đến 30/9/2019:

- Dư nợ cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 45,2 tỷ đồng với 38 khách hàng.

- Dư nợ cho vay chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp đạt 20.429,6 tỷ đồng, tăng 11,9% so đầu năm.

- Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 22.578,9 tỷ đồng.

- Dư nợ cho vay Chương trình bình ổn thị trường đạt 322,3 tỷ đồng.

- Dư nợ cho vay đối với ngành chăn nuôi lợn đạt 94,1 tỷ đồng; trong đó, dư nợ bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi chưa phát sinh.

- Dư nợ gói tín dụng 5.000 tỷ của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Tây Ninh đến cuối tháng 9/2019 là 75 tỷ đồng với 3.062 khách hàng.

* Nợ xấu của các TCTD trên địa bàn ước đến cuối tháng 10/2019 là 184,1 tỷ đồng, chiếm 0,33% tổng dư nợ, giảm so với tỷ lệ 0,39% của đầu năm.

* Trong tháng, các TCTD trên địa bàn tiếp tục thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định 2545/QĐ-TTg của TTCP và Kế hoạch của NHNN Việt Nam; đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội theo Quyết định 241/QĐ-TTg của TTCP; Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019.

Các NHTM đã tiếp cận với các đơn vị sự nghiệp công ký kết hợp đồng thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội…; một số NHTM đã và đang tiếp cận khách hàng để cung cấp các giải pháp thanh toán trực tuyến tại Trung tâm hành chính công tỉnh, huyện và bệnh viện. Các NHTM đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi như: Giảm/miễn phí thanh toán các dịch vụ công cho cá nhân, doanh nghiệp; ưu đãi phí cho đơn vị cung cấp dịch vụ công; hỗ trợ các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện kết nối giữa ngân hàng và các đơn vị sự nghiệp công,…

Lũy kế đến nay các NHTM đã ký hợp đồng và thực hiện thanh toán với các đơn vị: Cục Thuế tỉnh và 09 huyện, thành phố, Cục Hải Quan, Kho Bạc Nhà nước; Điện lực tỉnh và điện lực 9/9 huyện, thành phố; Công ty cổ phần cấp thoát nước tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh và 09 huyện, thành phố; 01 trường học và 01 bệnh viện.

Hiện nay nhiều chi nhánh NHTM đang tiếp cận các bệnh viện và trường học trên địa bàn để mở rộng cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Doanh số thanh toán chung trên địa bàn tháng 10/2019 ước đạt 99.968 tỷ đồng, tăng 5,3% so tháng trước, trong đó: Doanh số thanh toán dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ 44,7%; doanh số thanh toán không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ 55,3%.

 

                                                            NHNN TÂY NINH

 

 

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết Website
Công khai kết luận thanh tra
Công ty tài chính
Ngân hàng hợp tác xã chi nhánh Tây Ninh
Chi nhánh tổ chức tài chính
/news/cac-chuong-trinh-tin-dung-nganh-linh-vuc/
Quỹ tín dụng nhân dân
Hệ thống ngân hàng thương mại
Ngân hàng chính xác xã hội tây ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay220
  • Tháng hiện tại1,376
  • Tổng lượt truy cập85,723
Chính phủ điện tử
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây