Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2018

Thứ hai - 15/01/2018 16:10 12 0
Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2018
[caption id="attachment_756" align="alignleft" width="236"] Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến[/caption] Ngày 09/01/2018, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2018. Hội nghị đã vinh dự được tiếp đón Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và chỉ đạo Hội nghị.     Tham dự Hội nghị có Đ/c Mai Tiến Dũng, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Đ/c Trần Tuấn Anh, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ Trưởng Bộ Công thương và đại diện Lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành. Về phía ngành Ngân hàng có Đ/c Lê Minh Hưng, Ủy viên BCH TW Đảng, Thống đốc NHNN và các đ/c Phó Thống đốc NHNN, đại diện Đảng ủy Cơ quan NHTW, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Công đoàn Cơ quan NHNN TW, Đoàn Thanh niên NHTW; Ban Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng; Thủ trưởng các đơn vị tại Trụ sở chính NHNN, đơn vị sự nghiệp; Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Giám đốc các đơn vị trực thuộc NHNN, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại (NHTM), Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, Ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, Ngân hàng liên doanh, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính; cùng các điểm cầu tại 63 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước có sự tham dự của Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, đại diện một số ban, ngành của địa phương Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, năm 2017, trên cơ sở định hướng và chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, NHNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tranh thủ ý kiến khuyến nghị của các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, của cộng đồng doanh nghiệp,… để điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng chủ động, linh hoạt và đồng bộ, tạo thuận lợi cho các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa cùng phát huy tác dụng, đảm bảo thực hiện thành công mục các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, hoạt động tiền tệ, ngân hàng đã đạt được những kết quả quan trọng: Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức 1,41%. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm từ 0,5-1%/năm. Tín dụng tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an toàn chất lượng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành kinh tế trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng được điều hành ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, hỗ trợ tốt cho xuất khẩu. Dự trữ ngoại hối nhà nước lên trên 53 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng củng cố vị thế, uy tín quốc gia, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam. Quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu giai đoạn 2 được ngành Ngân hàng tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Trong đó, việc NHNN sớm trình Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 (Quyết định số 1058) và Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đã tạo nền tảng và động lực quan trọng đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu. Công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống ngân hàng tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, tạo môi trường thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Những kết quả đạt được của Ngành Ngân hàng đã góp phần trực tiếp kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 3,53%, hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao 6,81%, tạo dư địa lớn cho chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh của Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã đánh giá rất tích cực đối với kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam, như: Ngân hàng Thế giới đã nâng chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam lên 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN; Moody’s đã nâng triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”; Bloomberg đánh giá VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất Châu Á... [caption id="attachment_757" align="aligncenter" width="516"] Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu khai mạc Hội nghị[/caption]   Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã trình bày báo cáo tóm tắt về điều hành chính sách tiền tệ năm 2017, định hướng giải pháp điều hành năm 2018; Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trình bày báo cáo kết quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng năm 2017, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018; Phó Thống đốc NHNN Nguyên Kim Anh trình bày báo cáo kết quả triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Hội nghị cũng được các đại biểu tham luận của các NHTM: Agribank, Vietinbank, Vietcombank, Sacombank, Ngân hàng Standard Chartered. Hội nghị cũng được nghe ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đại diện cho các bộ, ngành trong công tác phối hợp với NHNN thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế năm 2017 theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. [caption id="attachment_758" align="aligncenter" width="507"] Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị[/caption]   Phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018 Tại Hội nghị, Đ/c Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc NHNN, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Ngân hàng đã phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2018. Phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2018”. Phát động phong trào thi đua nhằm động viên toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Cùng với việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, toàn ngành Ngân hàng phấu đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về những giải pháp chủ yếu điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và mục tiêu, định hướng hoạt động của ngành Ngân hàng trong năm 2018 với 9 nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, tăng cường tinh thần đoàn kết, xây dựng cơ quan, đơn vị, các tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Phó Thống đốc NHNN yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018 tại các đơn vị. Phong trào thi đua cần có chủ đề và nội dung thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng đơn vị và của ngành Ngân hàng. Ghi nhận thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong ngành Ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng; Đ/c Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ; Đ/c Hoàng Xuân Quế, Cục trưởng Cục Quản trị; Đ/c Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối; và trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đ/c Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng CNKT; Đ/c Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán; Đ/c Trịnh Quang Khải, Phó Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng. Đ/c Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể: Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Phát hành và Kho quỹ, NHNN Chi nhánh tỉnh Bến Tre, NHNN Chi nhánh tỉnh Gia Lai, Văn phòng, NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Nam, NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, NHNN Chi nhánh TP Hải Phòng, [caption id="attachment_759" align="aligncenter" width="673"] Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba cho một số cá nhân ngành Ngân hàng[/caption] [caption id="attachment_760" align="aligncenter" width="679"] Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể có thành tích xuất sắc[/caption]   Thủ tướng đánh giá cao kết quả điều hành thành công trên tất cả các lĩnh vực mà NHNN đảm nhiệm trong năm 2017 Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự điều hành thành công và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực điều hành của NHNN, thể hiện ở các mặt chính sau: Thứ nhất, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, duy trì được sự ổn định của thị trường tiền tệ, tiếp tục kiểm soát được lạm phát ở mức 3,53%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác phát huy tác dụng, tạo nền tảng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức thấp trong trung và dài hạn. Thứ hai, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng được điều hành ổn định và diễn biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ xuất khẩu, thực hiện tốt mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính sách tỷ giá hợp lý đã giúp tăng nhanh quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước lên trên 53 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, góp phần huy động được nguồn lực ngoại tệ, củng cố vị thế, tăng tiềm lực và uy tín quốc gia, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư ngoài nước, ngưởi dân trong nước”. Thứ ba, ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế với tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2017 đạt trên 6,5 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 18%, tức là đã cung ứng thêm 1,2 triệu tỷ đồng nguồn vốn cho nền kinh tế trong năm 2017. Kết quả này đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra. Vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai tích cực tạo động lực hỗ trợ trực tiếp cho các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... đều đạt mức tăng trưởng cao. Tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro (chứng khoán, bất động sản...) được kiểm soát tương đối tốt. Chính sách lãi suất được điều hành hợp lý. Lãi suất cho vay trong năm qua đã giảm 0,5-1% giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí vốn. Các chương trình tín dụng cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả và đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn. Thứ tư, quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2 (2016-2020) được ngành Ngân hàng quan tâm triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ. Ngành Ngân hàng đã tích cực xây dựng, trình Chính phủ ban hành Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và chủ động đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý giúp đẩy nhanh quá trình này với 2 văn bản pháp lý quan trọng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4 là Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Kết quả tái cơ cấu và xử lý nợ xấu bước đầu đã giúp hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì được sự ổn định, ngăn ngừa được nguy cơ gây mất an toàn hệ thống và từng bước cải thiện tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTMCP lành mạnh cải thiện chất lượng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó tiếp tục củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng và đóng góp thiết thực vào quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Thứ năm, công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, có ý nghĩa thiết thực tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Nhờ đó, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam đã tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN. Năm 2017 cũng là năm thứ hai liên tiếp NHNN dẫn đầu các Bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính. Thứ sáu, hệ thống NHTM đã thực hiện các hoạt động an sinh xã hội rất kịp thời cho vùng khó khăn. Có những ngân hàng làm tới hàng chục trường học, làm hàng trăm ngôi nhà cho vùng bão lũ. Các ngân hàng đã chia sẻ lợi ích của mình cho người nghèo, vùng thiên tai bão lũ. NHNN cũng đã làm tốt công tác cán bộ; Công tác truyền thông của NHNN cũng đã làm rất tốt, họp báo đều đặn để cung cấp thông tin cho xã hội về chủ trương điều hành CSTT, hoạt động ngân hàng để người dân hiểu rõ và nâng cao niềm tin đối với ngành Ngân hàng. Thủ tướng cũng lưu ý, mặc dù chất lượng tín dụng được cải thiện đáng kể nhưng chưa chủ động mạnh mẽ theo hướng thị trường để góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế; Quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD vẫn diễn ra chậm hơn so với yêu cầu. Một số TCTD còn thiếu mạnh dạn, thiếu quyết tâm trong việc giải quyết hạn chế yếu kém và xác định lộ trình, giải pháp thực hiện tái cơ cấu và chiến lược phát triển kinh doanh…Để khắc phục những tồn tại này, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm: Một là, chính sách tiền tệ, tỷ giá phải tiếp tục được điều hành hiệu quả và kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để thực hiện cho được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp và thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2018 cũng như trong trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ chính trị tổng quát, xuyên suốt của ngành Ngân hàng với vai trò chủ đạo để cùng với các Bộ, ngành thực hiện cho được mục tiêu chung của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi. Phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Phát huy vai trò chủ đạo của thị trường tiền tệ trong việc duy trì sự ổn định của thị trường tài chính, hỗ trợ thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Hai là, tín dụng ngân hàng cần tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện tích cực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Muốn vậy, tín dụng cần tiếp tục được mở rộng hợp lý và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển và tạo động lực cho tăng trưởng. Đồng thời, cần quan tâm phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng, tài chính vi mô để góp phần kích thích sản xuất phát triển. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ba là, tập trung nguồn lực thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD lành mạnh củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, phấn đấu Việt Nam có một số ngân hàng có quy mô ngang tầm với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực. Bốn là, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát của NHNN để phát hiện kịp thời và hạn chế tối đa những sai phạm, nhất là những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, các TCTD phải thực hiện nâng cấp về vốn, quản trị rủi ro và giám sát tài chính cho hệ thống ngân hàng trong nước theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. NHNN và các TCTD cần quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và vấn đề rủi ro đạo đức để có biện pháp quản lý hữu hiệu, hạn chế tối đa những sai phạm do cố ý làm trái gây ra. Năm là, phát triển, ứng dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại để theo kịp xu hướng phát triển mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn để hạn chế những rủi ro, tiêu cực, tội phạm từ mặt trái của công nghệ số. Tiếp tục triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai thực hiện Đề án hoàn thiện khung phát lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Phải có thể chế để quản lý để đảm bảo an toàn. Đẩy mạnh công tác truyền thông và làm tốt công tác giáo dục tài chính cộng đồng để nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng an toàn, hiệu quả. Thúc đẩy các dự án nghiên cứu tăng khả năng ứng phó của hệ thống ngân hàng đối với rủi ro hệ thống. Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ ngân hàng. Tạo điều kiện đầu tư kinh doanh phát triển, khuyến khích khởi nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Thay mặt toàn ngành Ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng trân trọng cảm ơn những ý kiến ghi nhận của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và hoạt động hiệu quả của hệ thống Ngân hàng năm 2017, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo và xin hứa với Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục nỗ lực để khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện thành công các yêu cầu của Thủ tướng đặt ra cho ngành Ngân hàng.

NHNN Việt Nam

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết Website
Công khai kết luận thanh tra
Công ty tài chính
Ngân hàng hợp tác xã chi nhánh Tây Ninh
Chi nhánh tổ chức tài chính
/news/cac-chuong-trinh-tin-dung-nganh-linh-vuc/
Quỹ tín dụng nhân dân
Hệ thống ngân hàng thương mại
Ngân hàng chính xác xã hội tây ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay138
  • Tháng hiện tại1,294
  • Tổng lượt truy cập85,641
Chính phủ điện tử
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây