Quy định của pháp luật về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam

QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG TIỀN GIẢ VÀ BẢO VỆ TIỀN VIỆT NAM

  1. Những hành vi bị nghiêm cấm

– Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả; hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào;

– Sao, chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào mà không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

– Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành.

(Điều 29 Luật Ngân hàng Nhà nước; Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam).

  1. Hình phạt đối với tội phạm tiền giả

Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển lưu hành tiền giả thì tùy theo mức độ phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến hai mươi năm tù hoặc chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một số phần hoặc toàn bộ tài sản.

(Điều 180 Bộ luật hình sự và điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự)

  1. Quyền và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc bảo vệ tiền Việt Nam

– Thông báo kịp thời cho cơ quan công an hoặc bộ đội biên phòng, hải quan nơi gần nhất về các hành vi bị ngiêm cấm theo quy định của pháp luật (tại điểm 1 nêu trên);

– Kịp thời giao nộp tiền giả cho cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước, bộ đội biên phòng hoặc cơ quan hải quan nơi thuận tiện nhất;

– Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, cơ quan công an giám định tiền Việt Nam (trường hợp không khẳng định được là tiền thật);

– Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước và tổ chức khác có hoạt động ngân hàng, cơ quan hải quan, bộ đội biên phòng khi phát hiện tiền giả phải lập biên bản thu giữ, phát hiện tiền nghi giả phải lập biên bản tạm thu giữ và kịp thời thông báo cơ quan công an nơi gần nhất.

(Điều 4 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ

về việc bảo vệ tiền Việt Nam)

WordPress Lightbox