Tăng cường cơ chế phối hợp và làm tốt hơn nữa công tác truyền thông tích cực

Ngày 22/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp bảo vệ truyền thông trên không gian mạng tại các tổ chức tín dụng”. Tham dự Hội nghị có Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cùng đại diện Vụ Báo chí và Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, đại diện các hội viên thuộc VNBA…
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng, hoạt động sản xuất – kinh doanh của của cả nền kinh tế nói chung và các tổ chức tín dụng (TCTD) nói riêng đạt nhiều thuận lợi trên nhiều lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động truyền thông, song cũng đối diện với nhiều thách thức, đó là vấn đề thông tin giả mạo, mạo danh các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên không gian mạng, diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp và ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp nói chung, các TCTD nói riêng.

Việc sử dụng hình ảnh, thương hiệu vào mục đích xấu, kèm theo thông tin tiêu cực lan truyền trên mạng xã hội cùng với những bình luận kém thiện chí, suy đoán không có căn cứ tạo nên góc nhìn thiếu thiện cảm về doanh nghiệp và các TCTD. Các đối tượng còn mạo danh cơ quan, tổ chức tạo lập nhiều fanpage giả mạo các đơn vị truyền thông lớn để đăng tải thông tin, tật xấu làm nhiễu loạn thông tin. Không những thế còn làm giả fanpage giả mạo của các TCTD để lừa đảo, tuyển dụng, cho vay hoạt động tài chính, dịch vụ tài chính bất hợp pháp nhằm chuộc lợi, gây hoang mang cho người dân và làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các TCTD. Ngoài những việc thông tin giả mạo, mạo danh trên mạng còn xuất hiện các nhóm “bùng nợ”, kêu gọi bùng nợ của các TCTD, nhất là các công ty tài chính tiêu dùng, gây ảnh hưởng mất an ninh trên không gian mạng, ảnh hưởng đến hoạt động thu hồi nợ của các TCTD nói chung, của các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng.

C:\Users\hang.ninhthu\Downloads\KDK_9804-1.jpg

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội thảo

“Những tồn tại trên đã khiến các TCTD gặp không ít khó khăn, lúng túng khi xử lý nhất là các TCTD chưa có kinh nghiệm, chưa có công cụ rà quét, phân tích, đánh giá, kiểm soát thông tin cũng như kỹ năng giao tiếp với truyền thông trên môi trường mạng dẫn đến có thể xảy ra sự cố trên không gian mạng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Để góp phần tạo điều kiện cho các TCTD hội viên có thể nắm bắt, hiểu rõ kỹ năng giao tiếp thông tin trên không gian mạng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, VNBA tổ chức Hội thảo này nhằm trao đổi thảo luận những khó khăn, vướng mắc để có hướng xử lý hiệu quả nhất. Thông qua các bài tham luận, ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội thảo sẽ gợi mở gắn với nhiều vấn đề và đưa ra các giải pháp để giúp các TCTD nâng cao công tác truyền thông cũng như giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có thêm góc nhìn truyền thông trên không gian mạng đối với các TCTD.

C:\Users\hang.ninhthu\Downloads\KDK_9762-1.jpg

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, công tác truyền thông trong toàn ngành Ngân hàng phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, bền bỉ, giống như hoạt động nghiệp vụ hàng ngày, bởi lẽ chúng ta không truyền thông thì người dân sẽ không hiểu, chính sách, cơ chế của Đảng, Chính phủ không đến được với người dân, doanh nghiệp. Qua đó để thấy được, truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay.

Đánh giá cao về mục đích, ý nghĩa thiết thực của Hội thảo, Phó Thống đốc nhận định, đối phó với khủng hoảng thông tin trên không gian mạng là vấn đề cực kỳ khó, đặc biệt là trong bối cảnh khoa học và công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Không gian mạng mang đến nhiều cơ hội, lợi ích về truyền tải, tiếp nhận, chia sẻ thông tin phục vụ các nhu cầu đa dạng của con người và xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, không gian mạng cũng có không ít những mặt trái. Chính vì vậy, mỗi chúng ta đang làm công tác truyền thông cần nhận thức được và có những định hướng cho cán bộ trong đơn vị mình ý thức bảo vệ trên không gian mạng. Bên cạnh đó, chúng ta sử dụng hiệu quả, tích cực không gian mạng để đưa những thông tin tuyên truyền cơ chế, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Ngành hay các hoạt động, sản phẩm dịch vụ… của các TCTD và các ngân hàng thương mại.

Theo Phó Thống đốc, sử dụng không gian mạng còn để đấu tranh với những thông tin sai trái, bởi thông tin trong lĩnh vực tiền tệ – ngân hàng so với các lĩnh vực khác có tính nhạy cảm cao do đặc thù hoạt động tiền tệ – ngân hàng gắn chặt với niềm tin công chúng. Các thông tin về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng có tính lan tỏa, tác động rất lớn đến nhiều nhóm người, tổ chức trong xã hội, có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính và nền kinh tế. Nếu không kiểm soát tốt thông tin tiêu cực có thể tác động đến niềm tin người dân đối với hệ thống ngân hàng.

Phó Thống đốc cho rằng, muốn sử dụng hiệu quả mạng xã hội thì bản thân các NHTM phải nhận thức được và coi công tác truyền thông như một giải pháp quan trọng để đảm bảo an toàn, đồng thời có các biện pháp truyền thông kịp thời, bài bản, chuyên nghiệp, thống nhất để có thể xử lý và ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Với những thông tin được chia sẻ tại Hội thảo ngày hôm nay, Phó Thống đốc hy vọng rằng, các đại biểu sẽ có thêm góc nhìn đa chiều về những khó khăn, áp lực của hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng trong bối cảnh hiện nay và sự cần thiết có hành động để bảo vệ truyền thông trên không gian mạng tại các tổ chức tín dụng.

C:\Users\hang.ninhthu\Downloads\KDK_9758-1.jpg

Toàn cảnh Hội thảo

Trên tinh thần đó, Phó Thống đốc mong muốn Hội thảo sẽ tập trung trao đổi, làm rõ những lợi ích cũng như những rủi ro mà chúng ta phải đối mặt; đồng thời chia sẻ về thực tiễn quản trị, xử lý thông tin, phòng ngừa khủng hoảng truyền thông trên không gian mạng. Phó Thống đốc mong rằng Hội thảo sẽ mang đến những kiến thức, thông tin hữu ích để các đơn vị, tổ chức tín dụng tham khảo, từ đó có những giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc bảo vệ truyền thông trên không gian mạng trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao việc coi trọng công tác truyền thông, nhất là công tác truyền thông chính sách của NHNN trong thời gian vừa qua.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, vấn đề xử lý khủng hoảng truyền thông rất quan trọng nhưng đây chỉ là vỏ của vấn đề, khủng hoảng về pháp lý mới là gốc của vấn đề. So với các lĩnh vực khác, thông tin tiền tệ, ngân hàng có tính nhạy cảm, lan truyền, phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị, cần tăng cường cơ chế phối hợp và làm tốt hơn công tác truyền thông tích cực, để lan tỏa truyền thông tích cực, đặc biệt là các thông tin chính thống qua báo chí để xử lý khủng hoảng. Các TCTD phải làm tốt hơn công tác này trong một thể thống nhất dưới sự chỉ đạo của NHNN và đại diện của các TCTD là Hiệp hội Ngân hàng. Đồng thời, nên tiếp tục tổ chức các Hội thảo trao đổi như hôm nay để cập nhật cho các bên những thông tin, công cụ, phương thức, đầu mối để xử lý công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả; các TCTD chỉ có thể lấn át và kiểm soát không gian mạng bằng việc lan tỏa những thông tin tích cực và chính thống nhiều hơn.

C:\Users\hang.ninhthu\Downloads\KDK_9987-1.jpg

Bà Kim Lan Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nghe trao đổi, chia sẻ của đại diện Vietcombank về thực tiễn quản trị, xử lý thông tin, phòng ngừa khủng hoảng truyền thông ở tổ chức hội viên; Kinh nghiệm phòng ngừa khủng hoảng, quản trị thông tin trên mạng xã hội và những khuyến nghị của đạ diện UB Group – Hội viên VNBA; Giám sát hoạt động truyền thông trên nền tảng số, phòng ngừa rủi ro và xử lý thông tin trên không gian mạng của đại diện chuyên gia Công ty Farm và Học viện Bưu chính Viễn thông…

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Kim Lan Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết, thời gian qua, các hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng đã góp phần đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia, nâng cao niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng và tăng cường uy tín NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Là đơn vị thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng, Vụ Truyền thông NHNN đã tích cực tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN và phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động truyền thông theo hướng chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.

Trên không gian mạng, Vụ Truyền thông cũng đã chủ động, thường xuyên theo dõi, nắm bắt dư luận trên báo chính thống và mạng xã hội, phối hợp với các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan truyền thông giải thích rõ ràng, đầy đủ đối với những vấn đề còn ý kiến trái chiều, góp phần tạo niềm tin cho công chúng đối với hệ thống ngân hàng.

Theo bà Kim Lan Anh, các thông tin tiền tệ, ngân hàng có tính nhạy cảm, lan truyền cao, phạm vi ảnh hưởng lớn, liên thông quốc tế, dễ gây khủng hoảng do tác động tâm lý. Hơn nữa, các thông tin liên quan đến hoạt động ngân hàng tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Thời gian tới, Vụ Truyền thông sẽ tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng, tạo sự thống nhất đồng bộ trong toàn hệ thống, từ NHNN Trung ương đến NHNN các tỉnh, thành phố, các đơn vị báo chí trong Ngành, giữa NHNN với TCTD và đơn vị trong toàn Ngành.

Theo NHNN Việt Nam

WordPress Lightbox