HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG TÂY NINH 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2017
admin
2017-09-19T11:03:19+07:00
2017-09-19T11:03:19+07:00
https://nganhangnhanuoc.tayninh.gov.vn/vi/news/tin-nhnn-tay-ninh/ho-t--ng-ng-n-h-ng-t-y-ninh-9-th-ng--u-n-m-2017-83.html
/themes/egov/images/no_image.gif
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM CHI NHÁNH TỈNH TÂY NINH
https://nganhangnhanuoc.tayninh.gov.vn/uploads/ntrntrong_1.png
HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG TÂY NINH 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2017
Trong 9 tháng đầu năm 2017, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, nguồn vốn huy động, dư nợ cho vay tăng trưởng khá, các dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, nhiều tiện ích, đáp ứng tốt nhu cầu của nền kinh tế, góp phần duy trì mức tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.
Hệ thống Ngân hàng Tây Ninh đã tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời có hiệu quả các cơ chế, chính sách, chủ trương, định hướng của Ngành trong thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng toàn, hiệu quả năm 2017; triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của NHNN Việt Nam về việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”… Kịp thời tham mưu UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các Sở, Ban Ngành có liên quan, UBND các huyện thành phố phối hợp thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến ngành.
Về lãi suất, các TCTD trên địa bàn chấp hành tốt lãi suất theo quy định của NHNN VN, diễn biến lãi suất trên thị trường khá ổn định. Những tháng đầu năm, lãi suất huy động có biến động tăng nhẹ ở một số chi nhánh NHTM đối với kỳ hạn dài và nhanh chóng ổn định lại. Từ sau tháng 7/2017, lãi suất có xu hướng giảm nhẹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các Quyết định giảm các mức lãi suất điều hành và giảm lãi suất cho vay ngắn hạn của 05 đối tượng ưu tiên. Hiện nay lãi suất huy động đối với kỳ hạn đến dưới 6 tháng các NHTM nhà nước mức tối đa là 5,2%/năm (thấp hơn 0,3%/năm so với quy định cho phép). Lãi suất huy động có kỳ hạn từ 6 – dưới 12 tháng phổ biến ở mức khoảng 5,5% - 6,3%/năm; kỳ hạn từ 12 trở lên phổ biến ở mức từ 6,8% - 7,0%/năm.
Về lãi suất cho vay trong 9 tháng đầu năm tương đối ổn định và ở mức thấp đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Các TCTD chấp hành nghiêm túc trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 05 đối tượng ưu tiên theo quy định; hiện nay mức lãi suất cho vay ngắn hạn 05 lĩnh vực ưu tiên tối đa là 6,5%/năm (QTDND: 7,5%/năm), một số NHTM cho vay với mức tối đa 6%. Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 7,8 - 10%/năm đối với ngắn hạn; từ 10 - 11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 6 - 7%/năm.
Công tác huy động vốn luôn được các TCTD quan tâm tăng cường tiếp xúc, chăm sóc khách hàng, đồng thời duy trì các hình thức huy động phong phú, đa dạng với nhiều tiện ích... nên đã duy trì được mức tăng trưởng tốt. Vốn huy động đến cuối tháng 9/2017 ước đạt 36.234 tỷđ, tăng 10,9% so đầu năm (cùng kỳ tăng 10,5%), trong đó vốn huy động ngắn hạn 25.269 tỷđ, tăng 10,3% so với đầu năm, vốn huy động trung, dài hạn 10.965 tỷđ, tăng 12,5% so đầu năm. Tiền gửi của tổ chức kinh tế ước 7.321 tỷ đồng, tăng 1,8% so đầu năm; tiền gửi dân cư ước 28.594 tỷ đồng, tăng 13,4% so đầu năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng ổn định, do mức hấp thụ vốn của nền kinh tế địa phương tốt, trong đó mức tăng khá ở doanh nghiệp dân doanh và lĩnh vực tiêu dùng.
Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 9/2017 ước đạt 39.256 tỷđ, tăng 14,7% so với đầu năm (cùng kỳ tăng 14,6%), trong đó dư nợ ngắn hạn ước 25.018 tỷđ, chiếm 63,7%/tổng dư nợ, tăng 13,1% so với đầu năm; dư nợ cho vay trung, dài hạn ước 14.238 tỷđ, chiếm 36,3%/tổng dư nợ, tăng 17,8% so đầu năm.
Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp ước đạt 12.175 tỷ đồng, tăng 21,3% so đầu năm với 1.215 doanh nghiệp; trong đó dư nợ DNNN ước 138 tỷ đồng, giảm 5,4% so đầu năm, dư nợ doanh nghiệp dân doanh ước đạt 12.037 tỷ đồng, tăng 21,7% so với đầu năm với 1.205 doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân dư nợ ước đạt 1.377 tỷ đồng, giảm 23,6% so với đầu năm với 295 doanh nghiệp).
Trong tổng dư nợ, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh ước đạt 28.837 tỷđ, chiếm 73,5% tổng dư nợ, tăng 10,3% so với đầu năm; dư nợ cho vay tiêu dùng ước đạt 10.419 tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng dư nợ, tăng 29% so với đầu năm. Lĩnh vực cho vay tiêu dùng phần lớn ở lĩnh vực mua, sữa chữa nhà ở và mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình.
* Kết quả cho vay một số Chương trình tín dụng ước đến 30/9/2017:
- Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ ước dư nợ đạt 20.395 tỷ đồng, tăng 14,5% so đầu năm.
- Dư nợ cho vay chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp ước đạt 13.846 tỷ đồng, tăng 36% so đầu năm.
- Dư nợ cho vay chương trình bình ổn thị trường ước đạt 120 tỷ đồng, tăng 1,7% so đầu năm.
- Dư nợ cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của TTCP ước đạt 5,7 tỷ đồng với 9 khách hàng.
- Thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN VN về cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đến nay các chi nhánh ngân hàng thương mại có đăng ký tham gia đã ký Quy chế phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh để triển khai cho vay; tuy nhiên các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch chưa được xác định đủ tiêu chí theo quy định nên chưa phát sinh dư nợ cho vay. Hiện nay các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch được các TCTD cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn.
Các TCTD trên địa bàn thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu mới phát sinh, đồng thời triển khai thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả để xử lý nợ xấu, nhất là từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực đã có sự chuyển biến tích cực. Trong 9 tháng đầu năm các TCTD đã xử lý thu hồi trên 240 tỷ đồng nợ xấu; nợ xấu của các TCTD trên địa bàn ước đến 30/9/2017 là 253 tỷđ, chiếm 0,39% tổng dư nợ, giảm so với tỷ lệ 0,57% đầu năm.
Đ.V.C