Ngày 29/11/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Công văn số 8423/NHNN-TTGSNH về việc cảnh báo hoạt động lừa đảo, làm và sử dụng giấy tờ giả mạo các ngân hàng.
Theo đó, một số thông tin liên quan đến tội phạm về làm giả, sử dụng giấy tờ giả mạo của các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo kết quả điều tra vụ án, từ tháng 7/2019 đến tháng 11/2020, các đối tượng đã làm giả 60 tài liệu của các Ngân hàng như Vietcombank, Agribank, Vietinbank, VPBank, VIB... Các tài liệu bị làm giả gồm: cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư, sao kê tài khoản, bảo lãnh dự thầu… để chứng minh năng lực tài chính, hoàn hiện hồ sơ xin cấp phép đầu tư, ký kết hợp đồng kinh doanh… Phương thức, thủ đoạn làm giả: sử dụng máy khắc dấu po-ly-me để làm con dấu của Ngân hàng, sau đó in nội dung cần làm giả lên giấy có biểu trưng của Ngân hàng (đặt mua), ký giả chữ ký lãnh đạo Ngân hàng và dùng con dấu po-ly-me giả đóng lên tài liệu.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc lừa đảo trong hoạt động ngân hàng trong thời gian qua, các đối tượng còn có thủ đoạn sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo mang quốc tịch nước ngoài để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xuyên biên giới. Các hoạt động làm giả, sử dụng giấy tờ giả mạo như trên làm ảnh hưởng đến tài sản, an toàn hoạt động cũng như uy tín của từng Ngân hàng nói riêng và hệ thống các TCTD nói chung. Để đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các TCTD thực hiện một số nội dung sau:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng và Công văn số 6537/NHNN-TTGSNH ngày 09/9/2020 về việc thực hiện thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, tích cực phổ biến đến từng cán bộ, nhân viên về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm, qua công tác nghiệp vụ của mình phát hiện tội phạm, đặc biệt là vi phạm pháp luật liên quan đến làm giả, sử dụng giấy tờ giả mạo của TCTD.
- Thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy trình nghiệp vụ theo quy định của pháp luật (đặc biệt là có giải pháp nâng cao công tác bảo mật, chống làm giả văn bản (mẫu giấy có biểu tượng của Ngân hàng, chứng từ…); quy định về nghiệp vụ về kiểm tra, xác minh nhân thân khách hàng, xác minh văn bản, chứng từ do khách hàng cung cấp).
- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật thông tin khách hàng và có biện pháp theo dõi, quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với các cán bộ, nhân viên có quyền truy cập và sử dụng thông tin bảo mật của khách hàng để ngăn chặn tình trạng lợi dụng thông tin khách hàng thực hiện các giao dịch giả mạo.
- Tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong hoạt động làm giả, sử dụng giấy tờ giả mạo của các Ngân hàng tại các điểm giao dịch và các hình thức khác (website, tin nhắn, ứng dụng…) để nhân viên, khách hàng, người dân biết chủ động phòng ngừa, tố giác tội phạm. Đồng thời hướng dẫn khách hàng các biện pháp bảo mật thông tin tài khoản để không bị các đối tượng lợi dụng để hoạt động lừa đảo.
- Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên trong việc kiểm tra, đối chiếu các loại hồ sơ, văn bản, chứng từ do khách hàng cung cấp; các phương thức, thủ đoạn làm giả và sử dụng hồ sơ giả mạo của các đối tượng để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và tránh gây thiệt hại, tổn thất cho TCTD.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm; trường hợp phát hiện các thông tin nghi vấn, cần thông báo ngay cho Cơ quan Công an có thẩm quyền để phối hợp xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật./.
NHNN - Tây Ninh