Trong tháng 12/2020, hệ thống Ngân hàng Tây Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách và chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, lãnh đạo địa phương về hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn. Nhìn chung, hoạt động ngân hàng tiếp tục phát triển ổn định; vốn huy động và dư nợ cho vay duy trì được mức tăng trưởng; nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp và tăng nhẹ so đầu năm, các dịch vụ ngân hàng tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; hoạt động ATM thông suốt và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động Ngân hàng.
* Trong tháng, các tổ chức tín dụng (TCTD) chấp hành tốt quy định về lãi suất của NHNN Việt Nam; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn giảm nhẹ so đầu năm theo đúng định hướng của NHNN Việt Nam. Hiện nay lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng của các ngân hàng thương mại (NHTM) tối đa là 4%/năm; lãi suất huy động có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng mức tối đa là 6,6%/năm, mức phổ biến 5,3%/năm; lãi suất có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên mức tối đa là 7,1%, mức phổ biến 5,4%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 05 lĩnh vực ưu tiên tối đa tại các NHTM là 4,5%/năm và tại các QTDND là 5,5%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường và cho vay tiêu dùng từ 7% – 10%/năm.
* Vốn huy động ước đến cuối tháng 12/2020 đạt 47.736 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước, tăng 5% so đầu năm; trong đó nguồn vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 8.500 tỷ đồng, chiếm 18% tổng nguồn vốn huy động, giảm 1,2% so tháng trước, giảm 42,2% so đầu năm.
* Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 12/2020 đạt 67.600 tỷ đồng, tăng 1,8% so tháng trước, tăng 15% so đầu năm.
Trong tháng, do nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh dịp cuối năm và Tết Nguyên đán nên tăng trưởng tín dụng trong tháng 12/2020 khá hơn so tháng trước.
* Nợ xấu của các TCTD trên địa bàn ước đến cuối tháng 12/2020 là 243 tỷ đồng, chiếm 0,36% tổng dư nợ, tăng so với tỷ lệ 0,34% của đầu năm.
* Tình hình dư nợ các Chương trình tín dụng ước đến 31/12/2020:
- Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn:
+ Cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 9.324 tỷ đồng, tăng 5,3% so đầu năm.
+ Cho vay xuất khẩu đạt 3.541,8 tỷ đồng, giảm 7% so đầu năm.
+ Cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 6.530,7 tỷ đồng, tăng 52% so đầu năm.
+ Cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 3,6 tỷ đồng, giảm 17,8% so đầu năm.
- Tín dụng chính sách đạt 2.658,1 tỷ đồng, tăng 7,9% so đầu năm; trong đó: Cho vay hộ nghèo đạt 60,1 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo đạt 110 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt: 291,6 tỷ đồng;...
- Cho vay các chương trình khác:
+ Dư nợ cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 27,4 tỷ đồng.
+ Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 và Nghị định số 116 đạt 42.000 tỷ đồng, chiếm 62%/tổng dư nợ.
- Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Đến cuối tháng 11/2020, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 286 khách hàng với tổng dư nợ là 1.288,2 tỷ đồng (trong đó: 13 doanh nghiệp với tổng dư nợ là 1.200,2 tỷ đồng); miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho 2.555 khách hàng với tổng dư nợ 4.427,8 tỷ đồng (trong đó: 85 doanh nghiệp với tổng dư nợ là 2.222 tỷ đồng); cho vay mới với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường, lũy kế từ 23/01/2020 đến 30/11/2020 cho 3.232 khách hàng với số tiền là 9.341,2 tỷ đồng (trong đó: 226 doanh nghiệp, số tiền là 7.281,8 tỷ đồng). Riêng ngân hàng Chính sách xã hội đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 90.329 khách hàng với tổng dư nợ là 481 tỷ đồng.
* Chi nhánh đã tổ chức thực hiện công tác thanh toán theo đúng Quy chế, Quy trình kỹ thuật nghiệp vụ thanh toán chuyển tiền điện tử trong hệ thống NHNN, đảm bảo thanh toán thông suốt, chính xác, an toàn.
Chi nhánh tiếp tục chỉ đạo các NHTM đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; giải quyết kịp thời các khiếu nại, đề nghị tra soát, hỗ trợ giải quyết thanh toán nhầm tài khoản,… của khách hàng (nếu có); xử lý kịp thời các sự cố xảy ra trong khi thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt để tạo sự tin tưởng cho khách hàng, dần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt. Trong tháng các NHTM không phát sinh thêm hợp đồng cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho đơn vị mới.
* Hệ thống ATM/POS của các TCTD trên địa bàn đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định; hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp.
NHNN Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc