Tháng 12/2019, hệ thống Ngân hàng Tây Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, lãnh đạo địa phương về hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn. Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, các chỉ tiêu về vốn huy động, dư nợ cho vay đã đạt mức tăng trưởng tốt, nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp và giảm nhẹ so đầu năm; thanh toán không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ khá trên tổng doanh số thanh toán, các dịch vụ ngân hàng tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; hoạt động ATM thông suốt và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động Ngân hàng.
* Trong tháng, các TCTD chấp hành tốt quy định về lãi suất của NHNN Việt Nam; nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn giảm nhẹ theo đúng định hướng của NHNN Việt Nam. Hiện nay lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng của các ngân hàng thương mại (NHTM) tối đa là 5%/năm, mức phổ biến là 4,3%; lãi suất huy động có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng mức tối đa là 9,2%/năm, mức phổ biến 6,3%/năm; lãi suất có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên mức tối đa là 9,4%, mức phổ biến 6,8%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 05 lĩnh vực ưu tiên tối đa là 6,0%/năm (QTDND: 7,0%/năm); hiện nay các NHTM Nhà nước cho vay trong mức 5,5%/năm - 6,0%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường và cho vay tiêu dùng ở mức phổ biến từ 8,5 – 11%/năm.
* Vốn huy động ước đến cuối tháng 12/2019 đạt 45.597,8 tỷ đồng, tăng 2,5% so tháng trước, đạt 100% kế hoạch năm 2019; trong đó vốn huy động ngắn hạn ước đạt 31.327,5 tỷ đồng, tăng 3% so tháng trước; vốn huy động trung, dài hạn ước đạt 14.270,3 tỷ đồng, tăng 1,5% so tháng trước. Trong tổng nguồn vốn huy động thì nguồn tiền gửi ước đạt 45.209,4 tỷ đồng, tăng 2,5% so tháng trước, trong đó tiền gửi của tổ chức kinh tế ước đạt 11.386,5 tỷ đồng, tăng 5,6% so tháng trước; tiền gửi dân cư ước đạt 33.822,8 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước. Nguồn vốn huy động phát hành giấy tờ có giá ước đạt 388,4 tỷ đồng, tăng 3,9% so tháng trước.
Trong tháng, các TCTD tiếp tục tăng cường công tác huy động vốn; tích cực quảng bá, tiếp xúc, chăm sóc khách hàng, triển khai nhiều sản phẩm huy động vốn phù hợp để thu hút vốn nhàn rỗi trong dân cư dịp cuối năm... nên vốn huy động tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng.
* Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 12/2019 đạt 57.376,3 tỷ đồng, tăng 0,6% so tháng trước, đạt 100% kế hoạch năm 2019; trong đó dư nợ ngắn hạn ước là 37.466,7 tỷ đồng, chiếm 65,3%/tổng dư nợ, tăng 0,6% so tháng trước; dư nợ cho vay trung, dài hạn ước 19.909,6 tỷ đồng, chiếm 34,7%/tổng dư nợ, tăng 0,5% so tháng trước.
Trong tổng dư nợ, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp ước đạt 17.456,6 tỷ đồng, tăng 16,5% so đầu năm với 1.322 doanh nghiệp; trong đó, dư nợ đối với doanh nghiệp dân doanh ước đạt 17.230 tỷ đồng, tăng 16,3% so đầu năm với 1.314 doanh nghiệp. Trong tổng dư nợ, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh ước đạt 43.462,6 tỷ đồng, chiếm 75,8% tổng dư nợ, tăng17,5% so đầu năm; dư nợ cho vay tiêu dùng ước đạt 13.913,7 tỷ đồng, chiếm 24,2% tổng dư nợ, tăng 11,5% so đầu năm.
* Dư nợ tín dụng chính sách ước đến cuối năm đạt 2.437,5tỷ đồng, tăng 7,7% so đầu năm, trong đó: Dư nợ tín dụng chính sách từ nguồn vốn trung ương là 2.260,7 tỷ đồng; dư nợ tín dụng chính sách nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 176,8 tỷ đồng. Chi nhánh NH CSXH đã thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng hạn mức cho vay đối học sinh, sinh viên từ 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên lên mức 2,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên cho các khoản giải ngân từ 01/12/2019.
Trong tháng, các TCTD tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng, đảm bảo tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng; tập trung vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của lĩnh vực sản xuất kinh doanh vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, nhất là các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, phục vụ đời sống chính đáng, cấp thiết của người dân; nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân góp phần hạn chế tín dụng đen.
Các TCTD đã tích cực hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục áp dụng các mức lãi suất cho vay ưu đãi, hấp dẫn, linh hoạt theo quy định đối với những khách hàng sử dụng trọn gói sản phẩm, có năng lực tài chính tốt, phương án kinh doanh khả thi, nguồn trả nợ ổn định,…nên nguồn đầu tư tín dụng của các TCTD trên địa bàn tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
* Kết quả cho vay một số Chương trình tín dụng ước đến 31/12/2019:
- Dư nợ cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 47 tỷ đồng với 42 khách hàng.
- Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 và Nghị định số 116 đạt 24.270 tỷ đồng, tăng 15% so đầu năm.
- Dư nợ cho vay chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp đạt 21.543 tỷ đồng, tăng 18% so đầu năm.
- Dư nợ cho vay Chương trình bình ổn thị trường cuối năm 2019 đạt 330 tỷ đồng.
- Dư nợ cho vay đối với ngành chăn nuôi lợn đạt 88,0 tỷ đồng; trong đó, dư nợ bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi chưa phát sinh.
- Dư nợ gói tín dụng 5.000 tỷ của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Tây Ninh đến cuối tháng 11/2019 là 83,1 tỷ đồng với 4.002 khách hàng.
- Dư nợ tín dụng ưu đãi ngắn hạn 05 lĩnh vực ưu tiên tiếp tục được các TCTD quan tâm, ước đến cuối năm đạt 17.490,3 tỷ đồng chiếm 30,5% tổng dư nợ.
* Nợ xấu của các TCTD trên địa bàn ước đến cuối tháng 12/2019 là 189,3 tỷ đồng, chiếm 0,33% tổng dư nợ, giảm so với tỷ lệ 0,39% của đầu năm.
Chi nhánh đã tổ chức thực hiện công tác thanh toán theo đúng Quy chế, Quy trình kỹ thuật nghiệp vụ thanh toán chuyển tiền điện tử trong hệ thống NHNN. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong công tác thanh toán luôn được quan tâm, nhất là thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, đảm bảo thanh toán thông suốt, chính xác, an toàn tài sản cho khách hàng, không phát sinh sự cố.
* Trong tháng, các TCTD trên địa bàn tiếp tục thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định 2545/QĐ-TTg của TTCP và Kế hoạch của NHNN Việt Nam; đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội theo Quyết định 241/QĐ-TTg của TTCP; Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019.
Các NHTM tiếp tục tiếp cận với các đơn vị sự nghiệp công ký kết hợp đồng thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội…; triển khai nhiều chính sách ưu đãi như: Giảm/miễn phí thanh toán các dịch vụ công cho cá nhân, doanh nghiệp; ưu đãi phí cho đơn vị cung cấp dịch vụ công; hỗ trợ các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện kết nối giữa ngân hàng và các đơn vị sự nghiệp công,…
Doanh số thanh toán chung trên địa bàn tháng 12/2019 ước đạt 102.609 tỷ đồng, tăng 2,6% so tháng trước, trong đó: Doanh số thanh toán dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ 46,3%; doanh số thanh toán không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ 53,7%.
NHNN TÂY NINH
Ý kiến bạn đọc