Tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể

Ngày 23.4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”. Hội thảo do đồng chí Cao Xuân Thu Vân – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (HTXVN), Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về kinh tế tập thể và đồng chí Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Ủy viên Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể đồng chủ trì.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đồng chủ trì Hội thảo

 

Cùng dự có các đại diện Lãnh đạo của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các tổ chức thuộc Liên minh HTXVN, các tổ chức tín dụng (TCTD) và hơn 2.400 đại biểu tham dự qua các điểm cầu trực tuyến.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Liên minh HTXVN Cao Xuân Thu Vân cho biết, trong những năm qua, HTX tuy có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, song còn tồn tại những bất cập, hạn chế cần được quan tâm. Hội thảo hôm nay được tổ chức nhằm tập trung thảo luận, giải quyết 03 nhóm vấn đề: Một là, đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể. Hai là, đi sâu phân tích khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân trong tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể. Cuối cùng, đề xuất các giải pháp để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng cho phát triển kinh tế tập thể trên cả nước.

image

Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Phạm Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN nhấn mạnh, NHNN xác định, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) nói chung và HTX nói riêng là một trong những đối tượng ngành Ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng đối với khu vực kinh tế này.

Thời gian qua, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực KTTT, HTX, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản phù hợp, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, cụ thể về điều hành lãi suất và điều hành tín dụng. NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; Tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và phù hợp với đối tượng khách hàng là các HTX nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quản lý được chất lượng tín dụng; Nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của KTTT, HTX, tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay.

Bà Phạm Thanh Tùng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho vay nói chung và HTX nói riêng như: Khảo sát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn để đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định tạo thuận lợi tăng cường tiếp cận tín dụng của người dân doanh nghiệp, HTX; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; tiếp tục rà soát, sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế sau khi được Chính phủ chấp thuận.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục phối hợp với các cơ quan, Bộ, ngành để đề xuất, bổ sung nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước như Quỹ phát triển HTX, các chính sách về công nghệ, phát triển thị trường trong, ngoài nước, các quy định cụ thể như hướng dẫn thực hiện Luật HTX mới (có hiệu lực từ 01/7/2024).

Tại Hội thảo, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, với sứ mệnh chủ lực đầu tư phát triển “Tam nông”, Agribank đã và đang có những đóng góp trong phát triển KTTT trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Theo chỉ đạo của NHNN, Agribank đã quy định rõ ràng mức tín dụng không đảm bảo tài sản đối với các tổ chức và HTX, LMHTX theo mô hình liên kết, theo đầu mối. Tại Agribank, dư nợ cho vay HTX năm 2023 đạt 1.693 tỷ đồng, tăng 165 tỷ đồng. Giai đoạn 2020-2023, dư nợ cho vay HTX luôn chiếm tỷ lệ từ 0,11% đến 0,12% dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank, với chất lượng tín dụng khá tốt.

Theo đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (VCB) chia sẻ, trong giai đoạn 2020 – 2023, VCB đã xây dựng và triển khai các sản phẩm tín dụng cho các khách hàng doanh nghiệp cũng như HTX như: sản phẩm thấu chi, cho vay trang trại nuôi heo, cho vay mua ô tô…. Tuy nhiên, dư nợ cho vay còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Liên quan đến HTX, còn gặp nhiều hạn chế trong công tác quản trị và chất lượng dịch vụ, dẫn đến kết quả động kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao, thông tin tài chính thiếu minh bạch gây khó khăn cho ngân hàng trong việc đánh giá khả năng trả nợ.

image

Quang cảnh Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra những phân tích, đánh giá, chỉ rõ những nguyên nhân gây cản trở HTX tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực KTTT, chủ yếu xuất phát từ điều kiện nội tại của các HTX chưa đáp ứng các điều kiện tín dụng, do đó cần phải có những giải pháp hỗ trợ từ cơ quan Trung ương đến địa phương về công cụ chính sách đối với HTX, từ các doanh nghiệp liên quan và từ chính những HTX thành viên đang hoạt động tại các tỉnh, thành phố.

Cụ thể, ông Trần Văn Phiệt, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định cho hay, vấn đề tiếp cận vốn tín dụng từ các NHTM với khu vực KTTT, HTX. Trao đổi về vấn đề này ông Phiệt cho biết, năng lực tài chính, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất của HTX còn yếu; Hội đồng quản trị và đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa được đào tạo bài bản, chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ chế quản lý mới,…

Còn theo ông Tô Hoài Thanh – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (NHHTX), NHHTX luôn ưu tiên cho vay điều hòa vốn các QTDND. Tuy nhiên, công tác cho vay gặp nhiều khó khăn, dư nợ cho vay chưa cao, do địa bàn nông nghiệp nông thôn chủ yếu sử dụng vốn vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất kinh doanh tương đối nhỏ lẻ, số lượng món vay nhiều nhưng tổng dư nợ cho vay không lớn. Thêm nữa, vì đặc thù phục vụ nông nghiệp nông thôn nên hoạt động cho vay QTDND cũng mang tính mùa vụ, thường đến nửa cuối năm hoặc giáp Tết Nguyên đán thì QTDND mới có nhu cầu cần vốn.

Đối với HTX, hiện nay vẫn khó tiếp cận vốn bởi vì còn tồn tại nhiều vấn đề như: Giá trị tài sản bảo đảm khi vay vốn thấp, tài sản tại HTX thường là tài sản cá nhân dẫn đến đối tượng khách hàng đứng tên vay vốn là cá nhân thành viên trong HTX. Về năng lực tài chính, nguồn vốn tự có của HTX còn hạn chế, nhiều HTX hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu bắt buộc và cơ bản là phải có tối thiểu 20% – 30% vốn đầu tư của dự án, ông Thanh cho biết thêm.

Tại Hội thảo, Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch LMHTX Việt Nam điểm lại những hạn chế của HTX, xuất phát từ chính những vướng mắc nội tại của HTX như: Hệ thống thông tin pháp lý chưa hoàn thiện, hoạt động kinh doanh còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ bản chất của mô hình HTX; thiếu kiểm toán độc lập và hệ thống kế toán minh bạch; Hệ thống quy trình sản xuất và đầu ra cho nguồn sản phẩm còn thiếu, chưa bền vững trong khi các cơ chế chính sách tín dụng đã triển khai đồng bộ, song chưa thực sự hiệu quả.

Bà Vân cho biết, trong thời gian tới, LMHTX sẽ rà soát, đánh giá cụ thể hiệu quả hoạt động, quản trị của các thành viên HTX, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của NHNN, đầu tư từ phía các NHTM; hy vọng các HTX hoạt động có hiệu quả được nhìn nhận đúng thế mạnh trong quá trình tiếp cận nguồn vốn, từ đó tổ chức triển khai thí điểm các gói tín dụng, chương trình ưu đãi cho các mô hình HTX trên, tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho khu vực kinh tế này.

Kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, phát triển KTTT, nòng cốt là HTX luôn là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát sao. Theo Phó Thống đốc, mặc dù nền kinh tế đất nước chịu ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân khách quan, quá trình chỉ đạo thực hiện, hoạt động của LMHTX đã đạt nhiều mặt tích cực liên quan đến tín dụng.

Để tiếp nối thành tựu đó, về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc nhấn mạnh, đây là thành phần kinh tế được NHNN quan tâm, tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp tăng trưởng tín dụng, phát triển mạng lưới cho vay, các chính sách khác để khuyến khích, hỗ trợ cho vay hợp tác xã, chỉ đạo các TCTD tập trung cho vay, xây dựng nhiều chính sách ưu đãi. Mặc dù vậy, để đảm bảo sự hiệu quả của những chính sách này, cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các HTX, cần phải đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động tài chính, hiệu quả trong hoạt động quản trị.

Ngoài những chính sách, định hướng và kế hoạch đến từ các cơ quan nhà nước thì sự nỗ lực của bản thân từng HTX, của từng thành viên đóng vai trò vô cùng quan trọng để tổ chức hoạt động, quản lý một loại hình kinh tế tập thể phù hợp, hiệu quả, đúng bản chất.

Theo NHNN Việt Nam

WordPress Lightbox