Đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân

Thứ tư - 12/07/2023 14:57 20 0
Đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân
     Theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, thời gian tới, cần thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, giám sát đối với QTDND, nâng cao vai trò của QTDND trong việc hỗ trợ phát triển đời sống kinh tế của các thành viên, góp phần phát triển kinh tế và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

     Ngày 5/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tiếp tục tăng cường công tác quản lý đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Dự và phát biểu chỉ đạo có Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú.

     Hoạt động của QTDND tiếp tục được củng cố

     Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hoạt động ngân hàng hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động từ thế giới lẫn trong nước, nhiều vấn đề đang cần được giải quyết lúc này như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu, đồng thời phải kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống.

     Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng xác định việc đảm bảo an toàn, hoạt động lành mạnh của QTDND là việc làm thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ để đảm bảo các quỹ hoạt động an toàn, lành mạnh. Mục tiêu cuối cùng là tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước để làm tốt công tác định hướng, chấn chỉnh hoạt động của QTDND tiếp tục hoạt động theo mục tiêu, phương hướng đã được xác định.

Đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị

     Phó Thống đốc đánh giá, trong thời gian qua, cơ bản hoạt động của các quỹ an toàn lành mạnh, một số nơi có hạn chế cũng đã sớm được phát hiện và chấn chỉnh ngay. Nhiều quỹ đã có sự phát triển ổn định hơn, đúng hướng.

     Về công tác thanh, kiểm tra đối với hệ thống QTDND đã có tập trung, chuyên đề, đi sâu vào trọng điểm hơn nhờ có kinh nghiệm bài bản hơn trong thanh kiểm tra. Công tác xử lý các QTDND yếu kém đạt được nhiều kết quả tích cực.

     Đặc biệt, sự phối hợp trao đổi thông tin giữa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố với các Sở, ban, ngành, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam được tăng cường. Ngân hàng Hợp tác xã và Bảo hiểm tiền gửi là hai đơn vị đã góp phần giúp NHNN làm tốt công tác thanh tra các QTDND trong điều kiện lực lượng thanh tra của NHNN còn thiếu.

Đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân
Ông Hoàng Việt Dũng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục III, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trình bày Báo cáo về tăng cường công tác quản lý QTDND

     Báo cáo về tăng cường công tác quản lý QTDND, ông Hoàng Việt Dũng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục III, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thông tin, thống kê đến 30/4/2023, toàn hệ thống có 1.180 QTDND, hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố với tổng tài sản gần 171 nghìn tỷ đồng, tăng 4,0% so với 31/12/2022; tiền gửi khách hàng là hơn 150 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với 31/12/2022.

     Thời gian qua, NHNN đã tích cực ban hành văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động, an toàn hệ thống QTDND như: Thông tư số 22/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2018/TT-NHNN ngày 12/3/2018 quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận những thay đổi, danh sách dự kiến bầu, bổ nhiệm nhân sự của tổ chức tín dụng là hợp tác xã; Thông tư số 01/2023/TT-NHNN ngày 01/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 quy định về QTDND (Thông tư số 04)…

     Gần đây nhất là sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, theo đó đối với tổ chức tín dụng là hợp tác xã, hiện Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được dự thảo đảm bảo các nội dung: Khắc phục một số bất cập từ thực tiễn hoạt động; tăng tính liên kết hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã, khẳng định vai trò của Ngân hàng Hợp tác xã trong việc hỗ trợ các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế xử lý QTDND yếu kém.

     Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường tiền tệ, ngân hàng có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung và hệ thống QTDND nói riêng, NHNN đã có nhiều công văn yêu cầu NHNN chi nhánh theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của các QTDND trên địa bàn. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và thanh khoản của các QTDND. Qua công tác giám sát, số lượng QTDND được khuyến nghị các nội dung trên có chuyển biến tích cực.

     Là một trong hai đơn vị được NHNN giao nhiệm vụ hỗ trợ chức năng kiểm tra của NHNN với QTDND, đại diện Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết, qua 4 năm triển khai, về cơ bản các QTDND đã chấp hành tốt các quy định về nhận tiền gửi tiết kiệm, quản lý và sử dụng tuân chỉ về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động và hoạt động cho vay.

     Việc thực hiện quy chế phối hợp cung cấp và trao đổi thông tin giữa NHNN chi nhánh và chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã cũng đã được tích cực triển khai. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, toàn hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã đã hoàn thành ký kết với 57 chi nhánh tỉnh, thành phố có QTDND hoạt động. Về phía Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã hoàn thành ký kết với 56/57 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có QTDND hoạt động, đang tích cực sớm hoàn thành quy chế phối hợp với 1 đơn vị còn lại.

     Tiếp tục đảm bảo hoạt động của QTDND lành mạnh, hiệu quả

     Thảo luận tại Hội nghị, các ý kiến đều cho rằng, sau gần 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống QTDND đã khẳng định được vị thế và vai trò của mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính, ngân hàng nói riêng, góp phần tạo công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi, thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn nông thôn.

     Tuy nhiên cũng thẳng thắn nhìn nhận một số QTDND đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững toàn hệ thống. Nguyên nhân của những hạn chế được chỉ ra đó là trình độ của cán bộ quỹ còn hạn chế; một số quỹ chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận nghiệp vụ; một số quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của QTDND còn chưa cụ thể, phù hợp với hoạt động của quỹ…

Đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân
Toàn cảnh Hội nghị

     Trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, hoạt động ngân hàng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong khi đó, đời sống người dân, dân người lao động đang khó khăn vì phải cắt giảm lương, giảm giờ lao động… Đảng và Nhà nước đang có nhiều biện pháp tháo gỡ và kỳ vọng nhiều vào ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp người dân.

     Vì vậy, rất cần sự chung tay, chung sức, chung lòng, của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống ngân hàng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, và đối với hệ thống QTDND, việc làm thiết thực nhất là hoạt động có hiệu quả, an toàn, đóng góp tích cực vào kinh tế địa phương.

     Thời gian tới, các QTDND cần tự nhìn nhận lại, nếu làm tốt rồi thì làm tốt hơn, nếu có những hạn chế thì tự mình khắc phục, điều chỉnh, để có một môi trường hoạt động lành mạnh, lấy được niềm tin của thị trường, nhân dân vào hệ thống ngân hàng.

     Đối với các nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và quy định của pháp luật, Phó Thống đốc nhấn mạnh các đơn vị cần coi công tác tiếp tục chấn chỉnh, củng cố an toàn hoạt động hệ thống QTDND là một nhiệm vụ thường xuyên, khẩn trương, tập trung trong chỉ đạo điều hành.

     Theo đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến QTDND; tập trung nguồn lực triển khai kế hoạch thanh tra QTDND năm 2023, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc NHNN chi nhánh tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các QTDND năm 2023, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ liên quan phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của QTDND giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu việc gửi các thông tin cần thiết của kết luận thanh tra cho Chính quyền địa phương để phối hợp quản lý.

     Phó Thống đốc đề nghị, Vụ Pháp chế NHNN khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi. Cục Công nghệ thông tin sớm hoàn thành Dự án Hệ thống thông tin phục vụ công tác giám sát hoạt động QTDND và tổ chức tài chính vi mô.

     Hướng dẫn NHNN chi nhánh trong việc thanh tra, kiểm tra QTDND về đáp ứng an toàn thông tin theo quy định tại Thông tư số 09/2020/TT-NHNN ngày 21/10/2020 quy định về an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.

     Về phía Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cần tập trung thực hiện kế hoạch thanh tra QTDND năm 2023, nhất là kế hoạch thanh tra chéo; thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ liên quan phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của QTDND giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của NHNN. Đồng thời, phối hợp, tạo điều kiện để Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm tiền gửi hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra QTDND trên địa bàn…

https://thoibaonganhang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết Website
Công khai kết luận thanh tra
Công ty tài chính
Ngân hàng hợp tác xã chi nhánh Tây Ninh
Chi nhánh tổ chức tài chính
/news/cac-chuong-trinh-tin-dung-nganh-linh-vuc/
Quỹ tín dụng nhân dân
Hệ thống ngân hàng thương mại
Ngân hàng chính xác xã hội tây ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay238
  • Tháng hiện tại345
  • Tổng lượt truy cập84,692
Chính phủ điện tử
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây