Hội thảo do Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chủ trì và với sự tham dự của các đại biểu đến từ các bộ, ngành trung ương; các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, Trong quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng, thông tin tín dụng có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp tạo lập cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia để NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; hỗ trợ các TCTD trong hoạt động kinh doanh; hỗ trợ khách hàng vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu đời sống, kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật.
Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động thông tin tín dụng của NHNN do CIC làm đầu mối tổ chức, thực hiện. Thời gian qua, hoạt động thông tin tín dụng của NHNN đã có bước phát triển nhanh, là một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia; CIC đã xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng khá lớn từ các nguồn dữ liệu trong và ngoài ngành. Qua đó, xây dựng, cung cấp các báo cáo tổng hợp, báo cáo phân tích định kỳ và đột xuất về hoạt động tín dụng phục vụ cho Ban Lãnh đạo và các đơn vị NHNN. Bên cạnh đó, CIC thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng cho các TCTD để phục vụ mục đích đánh giá, phê duyệt tín dụng, quản trị rủi ro, quản lý danh mục...
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận
Trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang quyết liệt triển khai Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhiều TCTD đã và đang đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số, cho vay trên nền tảng công nghệ, việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia đầy đủ, chính xác trên nền tảng công nghệ hiện đại có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động TTTD của NHNN, kiểm tra việc chấp hành các quy định về báo cáo TTTD của các TCTD, kiên quyết xử lý các TCTD báo cáo thông tin không đầy đủ, không chính xác. Đồng thời, yêu cầu các TCTD khai thác triệt để các sản phẩm dịch vụ TTTD phục vụ hoạt động kinh doanh, đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN về cấp tín dụng, quản trị rủi ro. Do vậy, thời gian tới cần nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia tại Việt Nam, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu của NHNN trong chỉ đạo, điều hành và nhu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Xuất phát từ thực tế trên, Hội nghị được tổ chức để trên cơ sở lý luận, thực tiễn khách quan đề xuất và thực thi các giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, phục vụ cho việc đề xuất các chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro; đồng thời, tạo ra diễn đàn học thuật, trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm dành cho nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà khoa học, nghiên cứu viên và người làm thực tế.
Ông Cao Văn Bình - Tổng Giám đốc CIC giới thiệu tổng quan về cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng
Tại Hội thảo, ông Cao Văn Bình - Tổng Giám CIC đã giới thiệu tổng quan về cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng của CIC. Bài tham luận đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia và hiện trạng cung cấp, sử dụng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng. Nội dung tham luận cũng khẳng định, còn nhiều dư địa để nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, như: Mở rộng nguồn thông tin ngoài ngành, mở rộng trao đổi thông tin xuyên biên giới, áp dụng công nghệ mới, đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhằm nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia, nội dung tham luận đã chia sẻ nội dung chính của dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 03/2013/TT-NHNN của NHNN, trong đó đã làm rõ những điểm mới, ưu việt so với Thông tư số 03; đồng thời, đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, như ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong hoạt động thu thập, xử lí, bảo mật và lưu trữ dữ liệu; tiếp tục đối soát, làm sạch dữ liệu về khách hàng cá nhân; nỗ lực kết nối với tổ chức ngoài ngành Ngân hàng để mở rộng và nâng cao cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia.
Bà Đinh Thị Thái - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank trình bày tham luận
Bà Đinh Thị Thái - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phát biểu tại Hội thảo đã phân tích, đánh giá thực trạng khai thác thông tin tín dụng tại Vietcombank: Những thuận lợi, khó khăn trong việc sử dụng, khai thác nguồn thông tin tín dụng từ CIC và bàn luận về sử dụng các nguồn thông tin bổ sung khác ngoài thông tin tín dụng từ CIC; đưa ra một số đề xuất để các TCTD có thể mở rộng, thu thập và khai thác thông tin khách hàng; tăng cường sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng đáp ứng yêu cầu kinh doanh và quản trị rủi ro.
Còn ông Nguyễn Hồng Quân - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) chia sẻ về thực trạng khai thác, ứng dụng nguồn dữ liệu thông tin tín dụng tại TPBank đã phân tích, đánh giá thực trạng khai thác thông tin tín dụng phục vụ hoạt động của TPBank; việc ứng dụng nguồn dữ liệu thông tin tín dụng để thẩm định, phê duyệt, cấp tín dụng, theo dõi, đánh giá khách hàng, cũng như thiết lập hệ thống cảnh báo sớm để phục vụ hoạt động của TPBank; từ đó đã đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền - Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) trình bày tham luận
Bà Phạm Thị Thanh Huyền - cán bộ quản lý chương trình phát triển cơ sở hạ tầng tài chính của Việt Nam và Campuchia, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tham luận về cơ sở hạ tầng dữ liệu hỗ trợ phát triển nền kinh tế số và tài chính số - kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Bà Huyền đã đưa ra góc nhìn tổng quan về dữ liệu, phân tích dữ liệu; sự khác biệt giữa báo cáo tín dụng (thông tin tín dụng do CIC cung cấp) và các sản phẩm dịch vụ về dữ liệu, phân tích dữ liệu do bên thứ ba cung cấp; từ đó, đưa ra các kinh nghiệm quốc tế về việc xây dựng, phát triển ngành dữ liệu và phân tích dữ liệu phục vụ cho kinh tế số. Đáng chú ý, IFC đã đề xuất một số cách thức để phát triển ngành dữ liệu và phân tích dữ liệu tại Việt Nam; các khuyến nghị liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu, thiết lập thị trường về dữ liệu và phân tích dữ liệu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng phát biểu tổng kết Hội thảo
Phát biểu tổng kết Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng cho rằng, ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại Hội thảo đã bổ sung, làm rõ thêm nhiều thông tin theo chủ đề của Hội thảo; đồng thời, gợi mở một số vấn đề mới về cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu. Qua đó, các diễn giả đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, cụ thể: (i) Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lí về cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia; (ii) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro; (iii) Nâng cao năng lực khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu thông tin tín dụng, thông tin khách hàng vay vốn từ các TCTD cung cấp cũng như kho dữ liệu của CIC (iv) Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong hoạt động thu thập, xử lí, bảo mật cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng góp phần bảo đảm an toàn hoạt động cấp tín dụng nhằm phát triển bền vững hệ thống các TCTD Việt Nam; (v) Phát triển hạ tầng dữ liệu và phân tích dữ liệu nhằm hỗ trợ nền kinh tế số và tài chính số tại Việt Nam…
Theo NHNN Việt Nam
Ý kiến bạn đọc