Góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức

Thứ sáu - 25/08/2023 16:19 12 0
Góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, sự an toàn của hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, những nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán… đã góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh để từng bước phục hồi.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu kết luận Hội thảo

Sáng ngày 22/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”. Hội thảo do Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì, với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức tín dụng, hiệp hội, doanh nghiệp… Hội thảo là diễn đàn khoa học cho các đại biểu trao đổi cởi mở, thẳng thắn, đề xuất các sáng kiến, giải pháp để giải quyết bài toán về vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định, hiện bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Theo Báo cáo Đầu tư thế giới do Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố mới đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 12% trong năm 2022, riêng các nước phát triển giảm 37%. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp, như Hoa Kỳ thu hẹp 20%, EU 11%, Trung Quốc 10%... Trong nước, theo khảo sát năm 2022 của Vietnam Report, 96,1% doanh nghiệp đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất; 61,5% gặp khó khăn bởi gián đoạn do “di chứng” của đại dịch Covid-19 gây ra, 53,9% chịu tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng, 48,1% cho rằng sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và 40,4% khó khăn về thiếu nhân lực sản xuất.

Sang đến năm 2023, tình hình càng trở nên khó khăn hơn. Bằng chứng là tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp kể từ năm 2011 đến nay (ngoại trừ năm 2020), khu vực sản xuất liên tục bị thu hẹp trong nhiều tháng, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm cả về số lượng và quy mô vốn trong khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tiếp tục tăng. Số doanh nghiệp tiếp cận tín dụng trong những tháng đầu năm cũng giảm 1000 doanh nghiệp.

C:\Users\hang.ninhthu\Downloads\BMT_4144.JPG

Toàn cảnh Hội thảo

Trước tình hình hiện nay, Phó Thống đốc cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ. Chính vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với các bộ, ngành trong việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ khá toàn diện, tác động lên cả về phía cung và cầu để hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể kể đến các chính sách về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí; hỗ trợ về tài chính và tín dụng; thúc đẩy xuất khẩu, và bảo vệ chuỗi cung ứng... Và đến nay, sự sát sao và quyết liệt này của Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành đã từng bước tháo gỡ các khó khăn, thách thức, khôi phục niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp.

Trong dòng chảy chính sách đó, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, sự an toàn của hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, những nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán… đã góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh để từng bước phục hồi.

Tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất khó khăn. Giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành Ngân hàng.

Theo Phó Thống đốc, những nỗ lực để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, nhất là trong việc tiếp cận và hấp thụ vốn, đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong và ngoài nước được dự báo tiếp tục có nhiều bất định, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức từ nhiều phía. Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh không ít khó khăn. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần phải tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng và sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các chủ thể trong nền kinh tế để giúp cho khu vực doanh nghiệp phục hồi ổn định và tiếp tục phát triển.

Phó Thống đốc mong muốn, Hội thảo sẽ đi sâu, tập trung thảo luận 3 nội dung chính, gồm: Đánh giá đầy đủ tình hình kinh tế vĩ mô, dự báo triển vọng, nhận diện các khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng; Chia sẻ về các giải pháp, chính sách của các bộ, ngành trong thời gian qua và quan điểm về việc triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thời gian tới; Thảo luận, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thách thức, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và hấp thụ vốn, bên cạnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong đó, tập trung vào các giải pháp cấp thiết, trọng tâm, trọng điểm.

Phó Thống đốc bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhiệt tình, trách nhiệm tại Hội thảo để có thể nhận diện đầy đủ tình hình, xác định được các giải pháp hợp lý, từ đó, phối hợp với các bộ, ngành một cách hiệu quả, giải quyết đúng và trúng các yêu cầu của thực tiễn.

Trong bài trình bày của mình, PGS. TS Phạm Thế Anh – Trưởng Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế quốc tế đã phân tích, làm rõ những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong nửa đầu năm 2023, đồng thời đề cập đến triển vọng kinh tế, những nguy cơ phải đối mặt trong thời gian tới. Đây là cơ sở để các diễn giả trao đổi sâu hơn về các giải pháp đã được Chính phủ chỉ đạo và các bộ, ngành thực thi, cũng như những suy nghĩ, trăn trở về cách thức để tiếp tục triển khai tốt hơn các giải pháp này.

TS. Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cung cấp một bức tranh tổng thể về môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, đáng chú ý là các diễn biến cảnh báo về việc doanh nghiệp gia nhập và rút khỏi thị trường, vấn đề suy giảm cơ hội việc làm, tình trạng thiếu lạc quan về cơ hội kinh doanh,.. và những rào cản về tài chính xuất phát từ nhiều yếu tố như: Lãi suất, kênh huy động vốn, vai trò của các Quỹ phát triển, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức đóng bảo hiểm xã hội, thời hạn gói hỗ trợ về thuế, phí, chi phí tuân thủ...

C:\Users\hang.ninhthu\Downloads\BMT_4170.jpg

Các chuyên gia tham gia Phiên thảo luận

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN chia sẻ về các chính sách mà ngành Ngân hàng đã thực hiện để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận và tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Ngoài các giải pháp điều hành thường xuyên theo hướng mở rộng tín dụng phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, NHNN đã đưa ra các giải pháp tín dụng đặc thù, tháo gỡ khó khăn cho những ngành, lĩnh vực như bất động sản, lâm sản, thủy sản,… Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã chủ động tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để đồng hành cùng với doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ của Hội thảo cũng diễn ra hai phiên thảo luận bàn tròn. Tại các phiên thảo luận, các chuyên gia, các đại diện đến từ cơ quan quản lý, Hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp cũng đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong việc tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn.

Cần sự đồng bộ, thực thi trong quá trình triển khai chính sách

Kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú một lần nữa nhấn mạnh sức nóng của chủ đề Hội thảo đang thảo luận, cũng như sự đóng góp trí tuệ, trách nhiệm của các diễn giả, các nhà khoa học và sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng doanh nghiệp về chủ đề này. Phó Thống đốc đánh giá, các nội dung trình bày và thảo luận tại Hội thảo rất có giá trị, các ý kiến đã được thảo luận thẳng thắn, trực diện, khoa học và đa chiều.

Phó Thống đốc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khó khăn còn kéo dài và không ai nói trước được sẽ kéo dài bao lâu, do vậy rất cần sự đồng bộ, thực thi trong quá trình triển khai chính sách. Với thị trường bất động sản trên 90% là khó khăn về mặt pháp lý. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Về phía NHNN cũng coi đây là vấn đề rất trọng tâm, để làm sao tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển, bởi lĩnh vực này là một trong những động lực giúp tăng trưởng nền kinh tế.

Đối với vấn đề tín dụng, theo Phó Thống đốc, chúng ta phải nhận diện đúng điểm nghẽn để có thể khơi thông dòng vốn, tháo gỡ điểm còn khó khăn. Tuy nhiên, cũng cần chia sẻ với Chính phủ, Nhà nước, các bộ, ngành lúc này, bởi hiện nay chính sách đã rất quyết liệt, có thể nói là hàng ngày, hàng giờ, hướng đến mục tiêu cuối cùng là để nền kinh tế không bị trầm lắng, tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội và giải quyết được việc làm cho người dân...

Đối với ngành Ngân hàng, doanh nghiệp thì rất khó khăn nhưng đứng ở góc độ điều hành vĩ mô, có những thứ thuộc về khó khăn thường xuyên, hay nói cách khác, đó là ngân hàng có nhiệm vụ điều tiết tiền tệ và hoạt động ngân hàng, để làm sao đảm bảo mục tiêu chính trị lớn nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đồng thời phải làm sao giúp tăng trưởng kinh tế. Hai mục tiêu này nếu bằng một chính sách tiền tệ nhiều khi sẽ ngược chiều nhau nhưng phải tìm điểm chung và đảm bảo được mục tiêu đó. Trong nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, hai mục tiêu này vẫn được đảm bảo.

Phó Thống đốc cũng chỉ ra một số vấn đề khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay mà ngành Ngân hàng phải tính toán và giải quyết một cách hài hòa, chẳng hạn như vấn đề giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo khối lượng tín dụng, đảm bảo kiểm soát chất lượng tín dụng và ổn định tỷ giá, đảm bảo niềm tin và thu hút vốn đầu tư hay việc giảm lãi suất cho vay nhưng phải hạn chế giảm lãi suất huy động ở mức độ phù hợp; thúc đẩy và tăng trưởng tín dụng, đây là yêu cầu rất cấp thiết lúc này nhưng lại phải đảm bảo chất lượng tín dụng không để nợ xấu tăng, đảm bảo an toàn hệ thống...

Phó Thống đốc cho biết, các NHTM phải thể hiện nhiều hơn nữa trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải đảm bảo an toàn tài chính, bên cạnh hạ lãi suất là giảm các loại phí. Đồng thời, cắt giảm các thủ tục tiếp cận tín dụng, tạo cơ hội kích thích nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp. Lúc này, các NHTM phải chia sẻ với các doanh nghiệp.

Tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu, giãn hoãn lại nợ, Thông tư 02/2023/TT-NHNN Quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02), tuỳ điều kiện thực tế của nền kinh tế có thể xem xét Thông tư 02 cho phù hợp.

Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để giảm chi phí cho doanh nghiệp, phù hợp với cuộc CMCN 4.0 hiện nay.

Tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các bộ, ngành tăng cường trao đổi để có thể hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc cũng cho biết thêm, trong thời gian gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý, phù hợp với Việt Nam.

Theo NHNN Việt Nam

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết Website
Công khai kết luận thanh tra
Công ty tài chính
Ngân hàng hợp tác xã chi nhánh Tây Ninh
Chi nhánh tổ chức tài chính
/news/cac-chuong-trinh-tin-dung-nganh-linh-vuc/
Quỹ tín dụng nhân dân
Hệ thống ngân hàng thương mại
Ngân hàng chính xác xã hội tây ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay263
  • Tháng hiện tại370
  • Tổng lượt truy cập84,717
Chính phủ điện tử
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây