Phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp hoạt động ngành Ngân hàng năm 2023

Thứ hai - 17/07/2023 09:40 29 0
Phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp hoạt động ngành Ngân hàng năm 2023
Ngày 15/7/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
 
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị
 

Dự Hội nghị có Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Về phía ngành Ngân hàng có Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng; các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đại NHNN; đại diện Lãnh đạo Đảng ủy Cơ quan NHTW, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng,… Tại 63 điểm cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước có sự tham dự của các đồng chí Ban Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Chi nhánh; các tổ chức tín dụng (TCTD) có trụ sở chính trên địa bàn…

image

Quang cảnh Hội nghị

Quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau một năm đầy khó khăn vất vả, chứng kiến và chèo chống sự kiện chưa từng có trong lịch sử, ngành Ngân hàng bước vào năm 2023 với nhiều khó khăn thách thức. Cụ thể, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT) để kiểm soát lạm phát, khiến mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng cao, cuộc chiến Nga - Ukraine chưa có hồi kết, sự đổ vỡ của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đầu năm. Ở trong nước thị trường trái phiếu, bất động sản gặp nhiều khó khăn càng đặt áp lực, rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân suy giảm, nợ xấu tăng cao trong khi yêu cầu thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vẫn được đặt ra. Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng được giao các nhiệm vụ tại Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội là điều hành chính sách tiền tệ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Song song với đó, điều hành CSTT đảm bảo có thể giảm lãi suất trong khi phải ổn định tỷ giá, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Đặc biệt, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ để cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, tỷ giá và lãi suất, chính sách tiền tệ và tài khoá, giữa tình hình bên trong và bên ngoài… Theo Thống đốc, đây là yêu cầu vô cùng khó, nhất là khi dư địa chính sách tiền tệ rất hạn hẹp, thị trường tiền tệ, ngoại hối thường chịu tác động của tâm lý kỳ vọng...

Quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn, Ban lãnh đạo NHNN đã xác định các vấn đề, chủ trương lớn, quan trọng, cốt lõi để chỉ đạo, điều hành. Với sự đồng lòng, quyết tâm của Ban lãnh đạo NHNN, lãnh đạo các đơn vị, vụ, cục NHNN, các TCTD từ trung ương đến địa phương, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng chung tay thực hiện kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Mặt khác, việc tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu nhất là các ngân hàng yếu kém tiếp tục được triển khai quyết liệt. Việc thúc đẩy dịch vụ số đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp, người dân cũng được chú trọng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ngân hàng cũng tồn tại những khó khăn do nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Do đó, Hội nghị này được tổ chức nhằm xác định rõ những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và từ đó đưa ra những giải pháp đối với hoạt động ngân hàng thời gian tới để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

image

Phó Thống đốc Đào Minh Tú báo cáo sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm

Những kết quả nổi bật 6 tháng đầu năm 2023

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, bám sát nội dung các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong 6 tháng đầu năm 2023, NHNN đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp điều CSTT và hoạt động ngân hàng.

6 thángđầu năm 2023, NHNN đã điều hành CSTT chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng.

Về điều hành lãi suất: Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm.

Với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Ngành, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022; các NHTM đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.

Về điều hành tỷ giá: NHNN đã bám sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. NHNN mua được ngoại tệ từ TCTD bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

Trong điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD và chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng để tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản;...

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp cụ thể nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục được tăng cường. Trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (Đề án 689).

Chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được đẩy mạnh. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán, chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện. Toàn ngành triển khai tích cực Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030. TTKDTM tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.

Triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã ban hành Kế hoạch năm 2023 của ngành Ngân hàng; tích cực xây dựng phương án, triển khai kết nối, khai thác thông tin dân cư tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử (VNeID) phục vụ dịch vụ công, nghiệp vụ thông tin tín dụng và phòng chống rửa tiền, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong ngành Ngân hàng. Đồng thời, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an ký kết và đẩy mạnh thực hiện trong toàn ngành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06, trong đó yêu cầu các TCTD xây dựng kế hoạch chi tiết gắn với thời gian và lộ trình cụ thể.

NHNN tiếp tục tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và từng bước áp dụng chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 63/2022/QH15 của Quốc hội, NHNN đã khẩn trương xây dựng dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) với mục tiêu hoàn thiện cơ chế cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém; luật hóa các quy định phù hợp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã được kiểm nghiệm từ thực tiễn qua quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; tăng cường các biện pháp để hạn chế thao túng, chi phối trong hoạt động của TCTD… dự thảo Luật đã được NHNN trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành/trình cấp có thẩm quyền ban hành 02 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 08 Thông tư liên quan đến chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và công tác thanh tra, giám sát ngân hàng…

Đồng thuận triển khai thực hiện nhiệm vụ ngành Ngân hàng

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đồng tình với báo cáo đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và giải pháp triển khai hoạt động ngành ngân hàng năm 2023. Đồng thời, đóng góp nhiều kiến nghị, giải pháp triển khai thực hiện của ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2023.

image

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá cao công tác điều hành CSTT linh hoạt, phù hợp với thực trạng nền kinh tế vì vậy trong bối cảnh FED liên tục tăng lãi suất song NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành từ 0,5-2%/năm, các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng được thông suốt, tỷ giá ổn định góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các TCTD cùng đồng thuận giảm lãi suất huy động trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dành 120.000 tỷ đồng đầu tư cho nhà ở xã hội góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản …

Chủ động và tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; chú trọng nâng cấp, xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động chuyển đổi số.

Về Hoạt động của các TCTD, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN, các TCTD chủ động ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Nghiêm túc thực hiện cam kết giảm lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam từ đó lập lại mặt bằng chung lãi suất huy động và trên cơ sở năng lực tài chính giảm lãi suất dư nợ hiện hữu cũng như những khoản cho vay mới từ 0,5-3%/năm

Năng lực tài chính của các NHTM được củng cố; chất lượng quản trị, điều hành được nâng cao, đến nay có 25 ngân hàng đủ điều kiện tăng vốn điều lệ trong thời gian tới với tổng vốn mới lên đến hơn 743.000 tỷ đồng.

Nhiều NHHTM chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, 95% các ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số.

image

Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV phát biểu tại Hội nghị

Về hỗ trợ doanh nghiệp người dân phát triển sản xuất kinh doanh, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, thực hiện chỉ đạo điều hành của Chính phủ và NHNN, trong 6 tháng đầu năm BIDV đã đưa ra các giải pháp:

Thứ nhất, chúng tôi rà soát thủ tục cấp tín dụng, đơn giản hoá và áp dụng công nghệ vào quy trình cấp tín dụng, tích cực nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật số hoá, đặc biệt xây dựng cơ chế cấp tín dụng theo phương thức phương tiện điện tử…

Thứ hai, nghiên cứu xây dựng cơ chế chương trình riêng cho từng đối tượng khách hàng, triển khai kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.

Thứ ba, thu hút các nguồn vốn quốc tế cho tín dụng xanh, tiếp tục tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay (cả cho vay mới và vay cũ),

Thứ tư, phối hợp với Hiệp hội DNNVV triển khai các chương trình kết nối kết hợp tư vấn, tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ…

Trong 6 tháng đầu năm, BIDV đã đưa ra 25 gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 484 nghìn tỷ đồng, mức giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp từ 0,5%/năm - 2%/năm, đối với khách hàng cá nhân từ 1%/năm - 1,5%/năm.

Phát biểu về vấn đề tiết kiêm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay, ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, ACB đã thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiêm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay; cụ thể: Đa dạng kênh huy động, nỗ lực giảm lãi suất huy động bình quân. Tiết kiệm các chi phí hoạt động. Kết quả là đã tiết kiệm được hơn 500 tỷ trong 6 tháng đầu năm so với kế hoạch ban đầu; chỉ số chi phí trên doanh thu giảm từ 40% xuống mức gần 30%.

“Từ kết quả tiết kiệm chi phí đó, ACB đã thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất cho người vay. ACB cam kết tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của thủ tướng CP, NHNN và chung tay cùng hệ thống ngân hàng để tạo một môi trường kinh doanh ngân hàng lành mạnh, phát triển bền vững trong tổng thể phát triển của nền kinh tế Việt Nam”, Tổng giám đốc ACB chia sẻ.

Đề cập đến tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho tín dụng bất động sản, ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) nêu đề xuất:

Quốc hội và Chính Phủ cần luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các TCTD triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả; xem xét cơ chế cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất" tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu đối với các dự án đang triển khai dở dang và giúp tăng nguồn cung nhà ở.

Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc về pháp lý dự án cho chủ đầu tư.

Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh: tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ xử lý các vướng mắc về pháp lý, thủ tục cho các dự án. Đặc biệt các doanh nghiệp có nhiều dự án dang dở, ưu tiên các dự án có tỷ lệ hoàn thiện xây dựng cao để hoàn thiện sản phẩm bàn giao nhà cho người dân.

NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng, thực hiện các biện pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững;

“Phân nhóm bất động sản để có chính sách quản lý và phát triển phù hợp. Ưu tiên nhà ở thu nhập thấp, bất động sản khu công nghiệp... cần có chính sách ưu tiên, còn bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng...mang tính chất đầu tư cần quy hoạch, quản lý riêng để phát triển ổn định và bền vững”, Tổng giám đốc MB chia sẻ.

image

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã chia sẻ về Đề án tái cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Agribank. Theo ông Phạm Đức Ấn, Agribank đã xây dựng và thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Theo đó, 9/10 mục tiêu cơ bản tại phương án của Ngân hàng đã hoàn thành vượt mức, trừ mục tiêu tăng vốn điều lệ không đạt.

Liên quan đến vấn đề xây dựng và triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, ông Ấn thông tin, thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Agribank đã xây dựng và trình NHNN phê duyệt Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; trong đó tập trung vào một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở phương án đã xây dựng Agribank đã chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại, đến 30/6/2023, Agribank cơ bản đạt và vượt tiến độ mục tiêu đã đề ra.

Mặc dù đã có những kết quả khả quan nhưng ông Ấn cho biết, còn đúng một nửa thời gian để thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2021-2025, nhưng trong bối cảnh hiện nay, Agribank xác định sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Một là, về nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng mặc dầu NHNN đã có cơ chế cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ.

Hai là, sự phát triển công nghệ, số hóa trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra với tốc độ rất nhanh, các công ty fintech vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh và các NHTM cổ phần sẵn sàng đầu tư nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghệ một cách mau lẹ để chiếm ưu thế so với NHTM nhà nước (do trình tự, thủ tục đầu tư các dự án về công nghệ mất rất nhiều thủ tục và thời gian).

Ba là, về đảm bảo vốn tự có để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II vẫn là thách thức lớn mặc dù Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023. Tuy nhiên, với số vốn tăng thêm này cũng chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng của Agribank đến năm 2024. Dự kiến năm 2025, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung thêm vốn điều lệ.

Cũng theo Chủ tịch Agribank, trong thời gian chống chọi với Covid-19, chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát của nhiều nền kinh tế lớn, chính sách cấm vận, cạnh tranh chiến lược kéo dài, đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, sức cầu cả trong nước và quốc tế giảm thấp, hàng tồn kho tăng cao, quan hệ kinh tế, thương mại suy giảm nghiêm trọng.

Chủ tịch Agribank nêu quan điểm: “Trong điều kiện hiện nay, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt phải khơi thông được giải ngân đầu tư công, qua đó sẽ góp phần tăng nguồn lực cho nền kinh tế, nâng sức cầu trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Về tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tăng khả năng tiếp cận tín dụng, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho rằng các Thông tư 02, Thông tư 03, Nghị định liên quan đến trái phiếu, gần đây nhất là các quy định về việc nới lỏng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng lên tới 14-15%… đã gỡ khó cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp, ngân hàng. Điều này giúp chúng ta hi vọng sẽ có những chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong thời gian tới.

Ông Vinh cho biết, VPBank rất hưởng ứng các chỉ đạo của NHNN, nếu so sánh với đỉnh cao của thanh khoản vào cuối năm ngoái và đầu năm nay lãi suất huy động lên tới 10% thì đến nay đã giảm, ngân hàng cũng chấp nhận giảm lợi nhuận của mình để phấn đấu giải lãi suất cho vay

“Cũng như các ngân hàng khác, VPBank cũng đang tiếp tục triển khai các điều kiện để tăng thêm mức tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nền kinh tế nói chung. Ông Vinh cho rằng, ngoài nỗ lực của ngành Ngân hàng, cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để nâng cao sức khỏe cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng được các yêu cầu cấp tín dụng. Xây dựng chính sách bảo vệ nhà đầu tư, quyền và lợi ích của ngân hàng, đồng thời bảo vệ tổ chức, cá nhân trong mối quan hệ về đầu tư, củng cố hoạt động lành mạnh của ngân hàng…”, ông Vinh nói.

Theo NHNN Việt Nam

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết Website
Công khai kết luận thanh tra
Công ty tài chính
Ngân hàng hợp tác xã chi nhánh Tây Ninh
Chi nhánh tổ chức tài chính
/news/cac-chuong-trinh-tin-dung-nganh-linh-vuc/
Quỹ tín dụng nhân dân
Hệ thống ngân hàng thương mại
Ngân hàng chính xác xã hội tây ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay227
  • Tháng hiện tại2,625
  • Tổng lượt truy cập69,221
Chính phủ điện tử
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây