Đó là những ý kiến chỉ đạo của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng tại Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai” ngày 26/9 do báo Tiền phong phối hợp Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức dưới sự chỉ đạo nội dung của NHNN.
Thanh toán không tiền mặt phổ biến trong đời sống hàng ngày của người dân, doanh nghiệp
Phó Thống đốc nhận định, trước đây, khi nói tới thanh toán thẻ, không dùng tiền mặt chỉ thấy ở siêu thị lớn, giờ đây, chúng ta có thể thấy ở mọi nơi, mọi hoạt động thường nhật. Nhiều hình thức thẻ mới ra đời, tiêu chuẩn bảo mật ngày càng nâng cao. Đặc biệt, số hoá thẻ ngân hàng để khách hàng không cần cầm thẻ vật lý, tránh rủi ro mất mát, bị lợi dụng.
Trong thời gian qua, NHNN đã quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đẩy mạnh phát triển TTKDTM, phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp. Đây là một trong các mục tiêu quan trọng của ngành ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021.
Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy TTKDTM, NHNN đã nghiên cứu, ban hành và trình ban hành nhiều quy định nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực thanh toán, tăng cường chuẩn hóa, liên thông trong ngành ngân hàng và giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, an toàn và thuận tiện. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM nói chung, thanh toán thẻ nói riêng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả nhằm thiết lập hệ sinh thái số an toàn và hiện đại. Các ngân hàng thường xuyên nghiên cứu, phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, nhiều tiện ích, đảm bảo an toàn bảo mật, đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng. Có thể thấy, những chính sách, quy định kịp thời, phù hợp nhằm thúc đẩy TTKDTM đã khuyến khích các ngân hàng thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán số, biến thanh toán điện tử ngày càng trở lên quen thuộc, phổ biến trong đời sống hàng ngày của người dân, doanh nghiệp.
Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua, ngoài quy định về TTKDTM, NHNN đã phối hợp với các ngân hàng thương mại, khảo sát thực tiễn để ban hành 2 thông tư về thanh toán và tín dụng. Trong đó, có thông tư cho phép ngân hàng được cấp bảo lãnh điện tử (không chỉ có bảo lãnh giấy thông thường); cùng đó, từ ngày 1/9/2023, cho phép ngân hàng cho vay điện tử phục vụ sản xuất, tiêu dùng với giá trị tối đa 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, quy định mới cũng cho phép ngân hàng giải ngân khoản vay vào tài khoản thanh toán của người vay, không yêu cầu bắt buộc phải giải ngân vào tài khoản của bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Từ tháng 3/2021, NHNN cũng cho phép các ngân hàng sử dụng giải pháp eKYC (xác thực sinh trắc học) trong thanh toán, cung cấp dịch vụ.
Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Tôi có 2 chữ “tiện và lợi”, vì dù có làm gì thì người dân cũng cần phải thấy tiện dụng, dễ dùng, và tiếp đó phải thấy có lợi ích về kinh tế, bên cạnh đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật”.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, hiện nay, hành lang pháp lý cho hoạt động phát hành và thanh toán thẻ đã được NHNN ban hành đầy đủ và thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện nhằm khuyến khích phát triển thanh toán thẻ, TTKDTM.
Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) trình bày tại Hội thảo
Quy định pháp luật về thúc đẩy TTKDTM, phát triển thẻ khá đầy đủ. Hoạt động thẻ đã và đang được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã sửa đổi, bổ sung); Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2019 của Chính phủ về TTKDTM (đã sửa đổi, bổ sung); Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung); Thông tư số 47/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 của Thống đốc NHNN quy định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng (đã sửa đổi, bổ sung),...; và các quy định như: Đề án phát triển TTKDTM qua các giai đoạn cụ thể; Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. NHNN đã ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật về thẻ chip nội địa, QR Code nhằm tăng cường chuẩn hóa, tăng tính liên thông, tạo thuận lợi phát triển hệ sinh thái số an toàn; quy định về việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát hành và thanh toán thẻ một cách thuận lợi, an toàn, khách hàng không cần phải đến các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng cũng có thể phát hành và sử dụng thẻ.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục tổ chức triển khai tích cực Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); đồng thời thực hiện tốt công tác giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng và giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Ông Tuấn cho hay, thị trường thẻ Việt Nam những năm qua được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh xu hướng TTKDTM. Tính đến tháng 7 năm 2023, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ (tăng 8,27% so với cuối năm 2021), với hơn 103 triệu thẻ nội địa, 36,7 triệu thẻ quốc tế. Trong đó có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKyc đang lưu hành (27 ngân hàng đang triển khai). Tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Hiện nay, thị trường đang hình thành hệ sinh thái số, kết nối liên thông giữa ngân hàng, tổ chức liên kết dịch vụ công, tạo nên trải nghiệm liền mạch cho người tiêu dùng. Thị trường thẻ Việt Nam, nhất là thẻ tín dụng nội địa vẫn được các chuyên gia đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển.
Các chỉ số TTKDTM tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: Giao dịch TTKDTM tăng 51,14% về số lượng; Giao dịch qua kênh Internet tăng 66,18% về số lượng và 4,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 63,10% về số lượng và 8,77% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 124,15% về số lượng và 16,12% về giá trị; qua POS tăng 25,24% về số lượng và 23,97% về giá trị.
Truyền thông giáo dục tài chính – để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng
Bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, hạ tầng công nghệ, truyền thông giáo dục tài chính là một trong những cột trụ quan trọng trong thúc đẩy TTKDTM và tài chính toàn diện tại Việt Nam. Chỉ có truyền thông mới có thể “bẩy được những hòn đá tảng” - thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong tiếp cận dịch vụ tài chính nói chung và các dịch vụ TTKDTM nói riêng, giúp người dân hiểu đúng, hành động đúng, góp phần thực hiện hóa các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các Đề án của Chính phủ.
Bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) phát biểu tại Hội thảo
Thời gian qua, NHNN đã phối hợp triển khai các chương trình truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, để vừa dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, lan tỏa tới công chúng. Có thể kể đến các chương trình trên truyền hình được công chúng đón nhận tích cực như “Tiền khéo tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”, “Đồng tiền thông thái”; cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”, chuỗi sự kiện “Nhà ngân hàng tương lai” dành cho học sinh, sinh viên, giới trẻ...
Đối với hoạt động thẻ, bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN), cho biết thẻ là một công cụ giúp giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt, để người dân không phải tìm đến tín dụng đen. Truyền thông hướng dẫn người dân sử dụng thẻ tín dụng an toàn, hiệu quả, tận dụng được thời gian miễn lãi (từ 45- 55 ngày tùy ngân hàng), giúp người dân hiểu về các tiện ích thẻ nói riêng và các phương thức TTKDTM nói chung, trong đó có thẻ tín dụng; hướng dẫn kỹ năng bảo mật thông tin cá nhân, thông tin tài khoản…
Trình bày tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) thông tin thêm về số lượng thẻ, thẻ ghi nợ: trong đó thẻ nội địa chiếm 81%, thẻ quốc tế chiếm 19%; thẻ tín dụng: nội địa chiếm 6%, quốc tế chiếm 94%; thẻ trả trước: nội địa chiếm 66% và quốc tế chiếm 34%. Ông Minh cho hay, thói quen của người dân cũng dần thay đổi đối với sự phát triển của các phương thức thanh toán, giao dịch rút tiền mặt liên tục giảm những năm qua. Cụ thể: trong năm 2022, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 12% trong năm 2021, xuống mức 6,56% của năm 2022. Còn tính đến tháng 8/2023, giao dịch rút tiền mặt tiếp tục giảm 15% về số lượng và 19% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước.
Để hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ trong phát triển TTKDTM, lãnh đạo Vụ Thanh toán cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý để cập nhật kịp thời, phù hợp với thực tế cũng như xu hướng phát triển của thị trường thanh toán thẻ. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNNVN triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đồng thời phối hợp các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công; tiếp tục triển khai, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép các tổ chức tín dụng có thể xác minh thông tin nhận biết khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ khách hàng trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, ngân hàng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Đối với hoạt động truyền thông, bà Lê Thị Thúy Sen chia sẻ, trong thời gian tới, truyền thông giáo dục tài chính tiếp tục hướng tới cộng chúng rộng rãi, trong đó chú ý đến học sinh, sinh viên, giới trẻ, đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, người chưa có tài khoản ngân hàng...bằng nhiều giải pháp đa dạng, có tính lan tỏa, đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, giảm thiểu rủi ro khi sử dụng dịch vụ, hình thành cộng đồng tài chính tốt. Đồng thời tiếp tục phối hợp các cơ quan, báo chí, hiệp hội, ngành nghề... tăng cường truyền thông giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng.
Theo NHNN Việt Nam
Ý kiến bạn đọc