Thúc đẩy "tam nông" phát triển nhanh và bền vững

Thứ năm - 10/10/2024 08:15 10 0
Ngày 09/10, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Tạp chí Ngân hàng phối hợp với Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (TDCNKT) tổ chức Hội thảo "Giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy "tam nông" phát triển nhanh và bền vững".

Toàn cảnh Hội thảo
 
 
 
 
 
 

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các lãnh đạo Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN; lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) và các Bộ, ngành liên quan; các tổ chức chính trị xã hội và các Hội, đại diện lãnh đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) và các chuyên gia kinh tế, tài chính - ngân hàng… Đây là diễn đàn khoa học để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy lĩnh vực “Tam nông” phát triển nhanh, bền vững.

Nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên tập trung vốn tín dụng

image

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, thúc đẩy tín dụng "tam nông" phát triển là một mục tiêu cốt lõi trong chương trình hành động của NHNN nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp - nông thôn một cách bền vững. Ngành Ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên cần tập trung vốn tín dụng, theo đó, ngành Ngân hang thường xuyên rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các quy định về hoạt động cấp tín dụng; điều hành chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời ban hành hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức triển khai các chương trình, chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp; chỉ đạo thực hiện giải pháp khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về chủ trương, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Bên cạnh đó, NHNN đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP phù hợp hơn với yêu cầu đặt ra về tái cơ cấu/cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong tình hình mới. Cụ thể, Chính sách khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Hướng dẫn, chỉ đạo các TCTD triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện các giải pháp khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực NNNT, phát triển các chương trình, gói cho vay phù hợp với đối tượng là nông dân, khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như cho vay không tài sản bảo đảm; Khuyến khích mua bảo hiểm trong nông nghiệp; phân loại và xử lý nợ theo cơ chế xử lý nợ đặc thù...

image

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu tại Hội thảo

Theo TS. Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), nông nghiệp phát triển ổn định là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng. Tháng 5/2023, Bộ NN&PTNT đã ký kết với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) về hợp tác đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp gắn với BHNN theo chuỗi giá trị và phát triển vùng nguyên liệu. Đến tháng 4/2024, Bộ NN&PTNT và NHNN ký kết quy chế phối hợp thúc đẩy tín dụng nông nghiệp, nông thôn.

Thời gian qua, kinh tế khu vực nông thôn có những chuyển đổi tích cực, có sự chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (công nghiệp, dịch vụ). Năm 2020, cả nước có trên 8,58 triệu hộ phi nông nghiệp, chiếm 50,9% tổng số hộ nông thôn, thu nhập người dân nông thôn ngày càng tăng và đa dạng. Trong giai đoạn từ năm 2008-2020, thu nhập người dân nông thôn tăng 5,5 lần, nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, 62,5% hộ nông thôn có từ 2 nguồn thu nhập trở lên. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nông thôn không ngừng cải thiện; việc bảo đảm an ninh lương thực đóng vai trò quan trọng trong cung cấp đầu vào cho công nghiệp chế biến; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã và đang vượt xa mục tiêu đề ra cả về tỉ lệ đạt xã chuẩn và số tiêu chí bình quân trên xã...

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của NHNN, sự phối kết hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Agribank luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế. Theo ông Hoàng Minh Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Agribank, Agribank luôn giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “tam nông”, tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong các năm qua luôn chiếm trên 60% tổng dư nợ cho vay. Sau khi Đề án " Điểm giao dịch lưu động” của Agribank được chấp thuận triển khai, đến nay, sau khi hoàn thành giai đoạn I, Agribank đã có 68 xe, 65 chi nhánh trên địa bàn 59 tỉnh thành phố; triển khai tương đối đầy đủ các dịch vụ ngân hàng như: giải ngân, thu nợ, chuyển tiền... Vốn tín dụng Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trên cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, ông Hoàng Minh Ngọc chia sẻ thêm.

Về lĩnh vực tín dụng xã hội, ông Nguyễn Đức Hải - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, hiện nay, NHCSXH đang triển khai 09 chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần xây dựng nông thôn mới, chẳng hạn như: Chương trình cho vay hộ nghèo/ cận nghèo, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay CSXH dành riêng cho hộ đồng bào là dân tộc thiểu số... Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tập trung chủ yếu vào 09 chương trình tín dụng lớn, chiếm 93,67% tổng dư nợ. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở khu vực nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, diện mạo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa khởi sắc rõ rệt.

Từ những cơ chế, chính sách đã có, ngành Ngân hàng cũng phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội và các Hội để triển khai hoạt động tín dụng với mục tiêu phát triển bền vững về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

image

Ông Hoàng Minh Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Agribank trình bày tham luận

Ông Vũ Duy Hưng - Phó Trưởng ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ, những năm qua, thông qua các hoạt động của hệ thống Quỹ Hỗ trợ Nông dân và các chương trình phối hợp với ngành Ngân hàng, Hội Nông dân đã tăng cường đẩy mạnh các hoạt động nhằm hỗ trợ hiệu quả vốn tín dụng cho hội viên, nông dân sản xuất - kinh doanh, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận: Tổng dư nợ tín dụng ủy thác qua Hội Nông dân đạt trên 185.000 tỷ đồng với hơn 2,6 triệu hội viên vay vốn. Ngoài ra, Hội cũng đã thực hiện ký kết văn bản thỏa thuận với một số ngân hàng thương mại (NHTM) chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp, cho vay hộ nghèo như: Ký kết hoạt động phối hợp với Agribank về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; ký kết với NHCSXH thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách…

Tuy nhiên, từ những nguyên nhân thực tiễn khách quan và chủ quan, tín dụng lĩnh vực “tam nông” còn gặp không ít khó khăn. Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém, tiếp tục là thách thức lớn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc; chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Mặt khác, phần lớn nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, còn thiếu liên kết trong các khâu sản xuất…

Về nguồn lực, đại diện Hội Nông dâ cho biết, số lượng cán bộ, người lao động của Quỹ Hỗ trợ nông dân trong hệ thống chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý trong khi quy mô nguồn vốn Quỹ ngày càng tăng trưởng. Ngoài ra, công tác chuyển đổi số còn ở giai đoạn đầu, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành quản lý Quỹ còn hạn chế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp chưa được triển khai toàn diện. Nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp và công nghệ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; Hệ thống nghiên cứu chưa đồng đều cho các ngành; cơ giới hóa và hệ thống thủy lợi vẫn chủ yếu tập trung cho canh tác lúa, chưa phục vụ tối đa mục tiêu.

Thêm vào đó, còn ghi nhận sự chênh lệch cao giữa các nhóm thu nhập và vùng miền, thu nhập người lao động tại nông thôn thấp; các chính sách hỗ trợ nông thôn chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Theo khảo sát, hơn 50% số hộ được khảo sát có gặp rủi ro do bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch trong sản xuất nông nghiệp và gần một nửa số hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai; ngành nông nghiệp nói chung và hộ nông thôn nói riêng dễ tổn thương trước những rủi ro…

Cần phối hợp và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ “tam nông”

Các đại biểu, chuyên gia sau khi thảo luận, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất đối với các vấn đề liên quan nhằm mục tiêu phát triển “tam nông” một cách bền vững.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ TDCNKT, NHNN đánh giá, qua gần 10 năm triển khai, kết quả đầu tư tín dụng của hệ thống ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu được đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ thông qua việc bảo đảm đáp ứng được các nhu cầu sản xuất nông nghiệp từ sản xuất đến thu mua chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm đến nhu cầu tiêu dùng của người dân ở nông thôn, góp phần tích cực hỗ trợ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp, gia tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao vị thế trên thị trường thế giới.

Để triển khai hiệu quả chính sách tín dụng cho nông nghiệp, bà Hà Thu Giang nhấn mạnh, cần có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với các giải pháp cụ thể. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến chính sách bảo hiểm nông nghiệp thông qua việc mở rộng đối tượng và hỗ trợ phí bảo hiểm cho nông dân canh tác diện tích lớn, ở vùng thường gặp thiên tai; tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp phát triển sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp…

Đại diện Agribank đề nghị, để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, cần tách bạch giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại, tránh tư tưởng ỷ lại vào vốn ngân sách Nhà nước, tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng hưởng lợi; các bộ, ngành tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm của khu vực nông nghiệp, nông thôn; có cơ chế xử lý nợ đối với khoản vay không có tài sản bảo đảm theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP.

Đại diện Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông Vũ Duy Hưng kiến nghị, ngành Ngân hàng đẩy mạnh hoạt động ủy thác tín dụng nông nghiệp, nông thôn thông qua phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức khảo sát nhu cầu để xây dựng sản phẩm dịch vụ phù hợp với từng phân khúc khách hàng; đồng thời mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ, nhất là khu vực nông thôn và ứng dụng công nghệ số cho hoạt động nông nghiệp; tăng cường lồng ghép có hiệu quả giữa việc cho vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, đào tạo nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả…

Tại phiên thảo luận của Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu khách mời cũng thảo luận các vấn đề liên quan đến thúc đẩy tín dụng phát triển "tam nông", giúp làm rõ thêm nhiều thông tin theo chủ đề của Hội thảo. Đồng thời, các đại biểu cùng thảo luận, đánh giá các cơ hội, khó khăn, qua đó, gợi mở một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu như: Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế về tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái; vấn đề sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết…, từ đó đưa ra các giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy “tam nông” phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Theo NHNN Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết Website
Công khai kết luận thanh tra
Công ty tài chính
Ngân hàng hợp tác xã chi nhánh Tây Ninh
Chi nhánh tổ chức tài chính
/news/cac-chuong-trinh-tin-dung-nganh-linh-vuc/
Quỹ tín dụng nhân dân
Hệ thống ngân hàng thương mại
Ngân hàng chính xác xã hội tây ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay183
  • Tháng hiện tại627
  • Tổng lượt truy cập76,544
Chính phủ điện tử
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây