Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, xã hội, tác động đến phát triển kinh tế và đời sống của người dân, do đó, việc tập trung tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là vấn đề đặc biệt quan trọng và cấp thiết.
Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ quyền con người hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện. Việt Nam cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc năm 2015; Ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2016.
Tại Hội nghị COP26 (Glasgow 2021), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 đến năm 2050. Về yếu tố xã hội, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, bảo vệ quyền con người và Luật Nhân đạo quốc tế, tham gia Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc...
Việt Nam cũng là một trong các quốc gia đã có những hành động nhanh, kịp thời để triển khai các cam kết quốc tế nêu trên thông qua việc ban hành khung chính sách, như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; Các chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Luật Bảo vệ môi trường (2020)... Các quy định này đã tạo điều kiện thúc đẩy các công cụ kinh tế thực hiện tăng trưởng xanh, thúc đẩy ESG như tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, yêu cầu quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD.
Phó Thống đốc đánh giá, tăng trưởng bền vững đang là vấn đề then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trong đó, ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tăng trưởng bền vững, hướng đến thịnh vượng kinh tế, bền vững môi trường, công bằng xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà là để bắt kịp xu thế thế giới, nhằm thực hiện cam kết mang tính bước ngoặt lịch sử là đưa phát thác ròng về 0 vào năm 2050, trong đó, thực hành ESG sẽ góp phần đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động
Phó Thống đốc chia sẻ, thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn tiên phong trong việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG. NHNN đã có nhiều giải pháp, định hướng, hướng dẫn, chỉ đạo liên quan tới nội dung ESG trong hoạt động ngân hàng như: Ban hành Chỉ thị về thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng (Chỉ thị số 03/CT-NHNN); phê duyệt Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam (Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018), Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1408/QĐ-NHNN), Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020); ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, có hiệu lực từ 01/6/2023 triển khai Luật Bảo vệ môi trường.
Quang cảnh Hội thảo
Các giải pháp được triển khai từ rất sớm nêu trên đã cho thấy sự trách nhiệm của ngành Ngân hàng trong thực hành ESG góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; đồng thời, có ý nghĩa lan tỏa, nâng cao nhận thức và năng lực thực thi các quy định về bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng.
Phó Thống đốc khẳng định, với sự định hướng, chỉ đạo của NHNN, việc thực thi ESG đã có những chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động. Các TCTD chủ động tích hợp yếu tố môi trường và xã hội trong chiến lược phát triển, mô hình hoạt động; hoàn thiện mô hình tổ chức; quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; chuyển đổi số, nâng cao năng lực; chủ động hợp tác, tìm kiếm và tiếp nhận các hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế…
Kết quả triển khai hoạt động ESG được thể hiện rất rõ nét qua tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của ngành ngân hàng. Đến 30/9/2024, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Thực hành ESG giúp các TCTD cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro
Phó Thống đốc cho rằng, việc tăng cường áp dụng ESG đòi hỏi các TCTD phải thực thi, tuân thủ và cập nhật liên tục những thay đổi trong quy định và chính sách để thể hiện tốt trách nhiệm với môi trường và xã hội. Mặt khác, thực hành các tiêu chuẩn ESG sẽ giúp nâng cao uy tín, thương hiệu của TCTD thông qua việc công bố và minh bạch các vấn đề liên quan đến quản trị, môi trường và xã hội. Thêm vào đó, rủi ro về môi trường và xã hội không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của TCTD (rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng, ...), do vậy, việc thực hành ESG sẽ giúp các TCTD cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận. Đồng thời, khi áp dụng ESG, các TCTD có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, phát triển các sản phẩm tín dụng.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu đã được nghe ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng, doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung vào một số nội dung như: Các giải pháp của NHNN góp phần thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; Tình hình triển khai và những ưu tiên trong thực hành ESG tại các TCTD Việt Nam phù hợp với bối cảnh vĩ mô, năng lực tài chính, trình độ quản trị hiện nay; Những chính sách, chương trình của các ngân hàng từ hỗ trợ kỹ thuật tới cung ứng vốn cho doanh nghiệp phát triển xanh, bền vững; Những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ và những đề xuất kiến nghị để góp phần thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, qua tổng kết, đánh giá giai đoạn 2014-2020 và theo dõi từ 2021 đến nay, các TCTD đã nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng, từ đó chủ động nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống ESG một cách toàn diện hơn, cụ thể: (i) Đưa ra các cam kết về môi trường và xã hội vào Chiến lược, Kế hoạch kinh doanh của ngân hàng; (ii) Nghiên cứu các quy định, các tiêu chuẩn quốc tế về ESG để xây dựng quy định nội bộ về thực hành ESG, quản lý rủi ro về môi trường và xã hội; (iii) Hoàn thiện mô hình tổ chức, thành lập đơn vị chuyên trách chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động về ESG; (iv) Chủ động hợp tác quốc tế, huy động và tiếp nhận nguồn lực, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án xanh, chống biến đổi khí hậu; (v) Xây dựng Chương trình tín dụng và thiết kế gói tín dụng xanh, sản phẩm xanh, công bố thông tin về sản phẩm, đảm bảo tính minh bạch; (vi) Tích cực chuyển đổi số trong hoạt động, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân, góp phần phát triển tài chính toàn diện; (vii) Nâng cao năng lực cán bộ về thực hành ESG, quản lý rủi ro môi trường xã hội trọng hoạt động cấp tín dụng và xây dựng các sản phẩm tài chính xanh, tài chính bền vững; Tăng cường truyền thông nội bộ về lối sống xanh, xanh hóa các hoạt động trong quá trình vận hành nội bộ tại ngân hàng; (viii) Truyền thông, nâng cao nhận thức của khách hàng, phát triển kế hoạch để tích hợp các chiến lược ESG vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi của khách hàng...
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ESG Agribank, việc tích hợp tiêu chuẩn ESG trong chiến lược kinh doanh là xu hướng của các NHTM trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, rất cần thiết thể hiện ở một số điểm như: Quản trị danh tiếng của ngân hàng; Nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh; Nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro; Mở rộng thị trường và cơ hội kinh doanh, phát triển sản phẩm dịch vụ mới.
Bà Hà cho biết, từ năm 2016, Agribank đã bắt đầu triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch, công nghệ cao” với quy mô vốn tối thiểu 50 nghìn tỷ đồng dành cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại... tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn. Lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành của NHNN và Agribank.
Agribank cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hỗ trợ tín dụng đối với đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 và Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank tăng trưởng ổn định qua từng năm. Tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,8% năm 2023 và duy trì đến Quý II/2024. Tính đến 30/6/2024, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt 27.816 tỷ đồng, với 42.485 khách hàng còn dư nợ.
Đại diện SHB, bà Ngô Thu Hà - Tổng Giám đốc SHB chia sẻ, hiện nay, tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng cho lĩnh vực xanh của SHB chiếm gần 10%/ tổng dư nợ. Bên cạnh đó, SHB áp dụng các biện pháp quản trị doanh nghiệp minh bạch và có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn, thông lệ tốt nhất, nhằm đảm bảo tính bền vững trong mọi hoạt động của ngân hàng.
Để thúc đẩy thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngành Ngân hàng, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, bà Hà Thu Giang cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư 17/2022/TT-NHNN; Hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia. Bên cạnh đó, hỗ trợ, tạo điều kiện cho TCTD tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, từ đó tăng cường huy động nguồn lực, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam; Tham gia các Diễn đàn trong nước và quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh, thực hành ESG và tăng trưởng bền vững; đồng thời thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng của nguồn nhân lực ngành Ngân hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu triển khai về thực hành ESG cũng như các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để các cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả, bên cạnh những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh, bà Giang cho rằng, đòi hỏi sự phối, kết hợp từ nhiều bộ, ngành, các đơn vị liên quan.
Còn theo ông Lê Hoài Ân - CFA Founder IFSS, xây dựng một bộ tiêu chuẩn định lượng đo lường mức độ tuân thủ ESG là bước đầu tiên và quan trọng nhất để các ngân hàng và tổ chức tài chính có thể đánh giá khách quan mức độ tuân thủ các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị của một dự án. Mặt khác, việc xây dựng các tiêu chí và tỷ trọng tiêu chí khác nhau cho từng ngành giúp đảm bảo các dự án đáp ứng tốt nhất các yêu cầu đặc thù của từng lĩnh vực. Điều này không chỉ giúp phân bổ nguồn vốn hợp lý hơn mà còn khuyến khích các ngành phát triển theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các ngân hàng và tổ chức tài chính, nhờ đó có thể đánh giá các dự án một cách chi tiết và chính xác hơn, từ đó thúc đẩy các khoản đầu tư vào các ngành có tiềm năng phát triển bền vững cao.
Tác giả: Quản trị quản trị