Tập trung xử lý nợ xấu, phấn đấu tăng trưởng tín dụng an toàn

Thứ hai - 21/10/2024 08:43 10 0

Ngày 17.10, ông Nguyễn Xuân Hiền– Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Tây Ninh chủ trì hội nghị giao ban đánh giá kết quả hoạt động tín dụng quý III.2024 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm quý IV.2024.

Quang cảnh hội nghị.

Tăng trưởng tín dụng đạt thấp

Theo đánh giá của NHNN Việt Nam chi nhánh Tây Ninh, 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, trong đó có 7 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) giảm dư nợ so đầu năm, một số chi nhánh khác hầu như có mức tăng trưởng tăng rất thấp, chỉ tăng 4,5%. Ngoài ra, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp khó khăn, không mở rộng quy mô sản xuất nên mức độ vay vốn giảm.

Bà Lê Thị Thuỷ- Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Tây Ninh cho biết, trong 9 tháng đầu năm, lãi suất trên địa bàn biến động theo xu hướng chung của cả nước và theo đúng định hướng của NHNN Việt Nam, qua đó đã hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Cụ thể, trong những tháng gần đây lãi suất huy động có xu hướng tăng và ở mức tương đương thời điểm đầu năm; lãi suất cho vay giảm khoảng 0,3% – 0,8% so với đầu năm.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng (TCTD) quan tâm, đẩy mạnh công tác huy động vốn, quảng bá, chăm sóc khách hàng và triển khai nhiều sản phẩm huy động vốn phù hợp nên vốn huy động tiếp tục tăng trưởng tốt.

Vốn huy động đến cuối tháng 9.2024 đạt 70.894 tỷ đồng, tăng 6,8% so đầu năm và tăng 11,1% so cùng kỳ; trong đó vốn huy động trên 12 tháng đạt 5.471 tỷ đồng, giảm 7,4% so đầu năm, giảm 5,9% so với cùng kỳ và chiếm 7,7% tổng nguồn vốn huy động.

Các TCTD trên địa bàn đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách tín dụng theo định hướng của ngành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng tăng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; lãi suất cho vay tiếp tục giảm so đầu năm… Tuy nhiên, do mức hấp thụ vốn của nền kinh tế và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản mang tính thời vụ nên mức tăng trưởng tín dụng chưa cao.

Người dân tham quan mô hình sản xuất bưởi da xanh trên địa bàn xã Truông Mít.

Kết quả, tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 9.2024 đạt 102.804 tỷ đồng, tăng 4,5% so đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 8,4%) và tăng 10,5% so cùng kỳ.

Ông Cao Tấn Trình– Giám đốc Agribank chi nhánh Tây Ninh cho biết, năm 2024 chỉ tiêu thu dịch vụ vượt tiến độ nhưng mức tăng trưởng thấp, còn 4 chỉ tiêu về nguồn vốn, dư nợ, tài chính, nợ xấu không đạt tiến độ.

Về nguồn vốn huy động, 9 tháng đầu năm Agribank Tây Ninh tăng 296 tỷ đồng, tốc độ tăng chỉ đạt 1,4%; về tăng trưởng tín dụng, hiện nay nhiều doanh nghiệp, khách hàng cá nhân khó hấp thu vốn, trong 9 tháng đầu năm, dư nợ của Agribank Tây Ninh đạt 21.500 tỷ đồng, tăng so đầu năm trên 900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 4,4%.

Theo NHNN chi nhánh Tây Ninh, trong công tác quản lý hoạt động ngoại hối, 9 tháng đầu năm, chi nhánh đã xác nhận đăng ký và đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh là 36 khoản, thu hồi quyết định về việc chấp thuận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ cho 20 doanh nghiệp; cấp phép về sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ cho 21 doanh nghiệp.

Trong 9 tháng đầu năm, chi nhánh tiến hành kiểm tra 1 đại lý đổi ngoại tệ theo kế hoạch; kiểm tra nắm thông tin mua bán vàng trang sức mỹ nghệ và vàng miếng 3 doanh nghiệp; kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ 2 doanh nghiệp; kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng miếng 1 doanh nghiệp và kiểm tra cơ sở vật chất trước khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ 18 doanh nghiệp. Qua kiểm tra, ghi nhận đơn vị thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ; hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh vàng miếng đúng quy định của pháp luật.

Tập trung xử lý nợ xấu, phấn đấu tăng trưởng tín dụng an toàn

Theo NHNN chi nhánh Tây Ninh, các TCTD trên địa bàn luôn quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện nhiều giải pháp xử lý kéo giảm nợ xấu, kiểm soát nợ xấu ở mức thấp; tuy nhiên, do khó khăn chung của nền kinh tế nên nợ xấu tiếp tục có xu hướng tăng. Đến cuối tháng 9.2024 nợ xấu chiếm 1,49% tổng dư nợ, tăng so với tỷ lệ 0,83% của đầu năm.

Ông Cao Tấn Trình cho biết thêm, tình hình kinh tế khó khăn, tiềm năng tài chính không có, nên dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng rất nhanh. Nợ xấu của toàn hệ thống Tây Ninh tăng 78 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng 113%, chiếm 0,68%.

Theo NHNN chi nhánh Tây Ninh, trong 9 tháng đầu năm 2024, các TCTD đã xử lý 780 tỷ đồng nợ xấu, bao gồm: bán tài sản bảo đảm 22 tỷ đồng, khách hàng trả nợ là 277 tỷ đồng, xử lý bằng dự phòng rủi ro là 418 tỷ đồng và biện pháp khác 63 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi nhánh tiếp tục giám sát tình hình xử lý nợ xấu đối với 7 chi nhánh NHTM có tỷ lệ nợ xấu trên 3%.

Công nhân làm việc tại một công ty dệt ở Khu công nghiệp Trảng Bàng.

Ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh Tây Ninh đề nghị các TCTD trên địa bàn kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh mới. Các TCTD có tỷ lệ nợ xấu cao tập trung thực hiện các giải pháp xử lý và thu hồi nợ xấu; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên địa bàn, đặc biệt là các cơ quan như: Công an, Toà án, Cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm.

Giám đốc NHNN chi nhánh Tây Ninh đề nghị các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, thực chất, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tích cực triển khai Chương trình 140.000 tỷ đồng và tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản.

Chủ động tổ chức kết nối với doanh nghiệp theo từng ngành nghề, đối tượng cụ thể, tăng cường trao đổi, làm việc với khách hàng vay vốn để kịp thời nắm bắt và xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng bảo đảm hiệu quả, thực chất.

Ba tháng còn lại năm 2024, giám đốc NHNN chi nhánh Tây Ninh đề nghị các NHTM, TCTD tập trung thực hiện các chỉ đạo của NHNN Nhà nước để tăng trưởng tín dụng đạt chỉ tiêu, trên địa bàn tỉnh đưa ra chỉ tiêu 13%-15%, các đơn vị phấn đấu đến cuối năm mức tăng trưởng tín dụng đạt 13%.

Trong công tác tín dụng, các NHTM, TCTD phải tăng cường đối thoại doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; đồng thời, thực hiện rút ngắn thời gian giải ngân, thời gian thẩm định, để tăng nhanh thời gian giải ngân cho khách hàng. Cố gắng ổn định lãi suất, đồng thời tiếp tục giảm lãi suất cho vay, bằng cách tiết kiệm chi phí lao động, ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp tín dụng để giảm lãi suất; đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ cung ứng qua ngân hàng trực tuyến.

Theo Báo Tây Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết Website
Công khai kết luận thanh tra
Công ty tài chính
Ngân hàng hợp tác xã chi nhánh Tây Ninh
Chi nhánh tổ chức tài chính
/news/cac-chuong-trinh-tin-dung-nganh-linh-vuc/
Quỹ tín dụng nhân dân
Hệ thống ngân hàng thương mại
Ngân hàng chính xác xã hội tây ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay187
  • Tháng hiện tại2,585
  • Tổng lượt truy cập69,181
Chính phủ điện tử
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây