Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục gặt hái những “trái ngọt”

Thứ sáu - 27/09/2024 09:33 13 0
Thanh toán, chuyển tiền qua Internet, điện thoại di động, QR Code tiếp tục đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Các sản phẩm dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
 

Bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) trả lời tại họp báo

Đây là những thông tin được ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ tại họp báo công bố sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2024 do Báo Tiền Phong và công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) phối hợp tổ chức ngày 26/9 tại Hà Nội.

Về phía NHNN, tham dự Họp báo có lãnh đạo Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông. Ngoài ra còn có lãnh đạo Napas, đại diện các ngân hàng thương mại (NHTM)…Đặc biệt, Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà được lựa chọn là gương mặt đại sứ của chuỗi sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam 2024.

Chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2024 nhằm hướng tới nhóm người tiêu dùng trẻ - những nhân tố sẵn sàng tiếp cận, trải nghiệm công nghệ số, thanh toán số và lựa chọn những phương thức thanh toán phù hợp nhất đối với bản thân. Thông qua các hoạt động trong chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam lần 4 sẽ góp phần phổ cập, tuyên truyền về các dịch vụ, phương thức thanh toán mới của các ngân hàng Việt Nam đến người dân, mà bắt đầu từ giới trẻ Việt Nam. Qua sự kiện này tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), phát triển thẻ tín dụng nội địa, đưa ra những gợi ý cho thị trường Việt Nam trước xu hướng phát triển mới của hệ sinh thái ngân hàng mở trong tương lai.

image

Các đại biểu tham dự Họp báo

Khoảng 37,4 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công

Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tài khoản cho khách hàng trong các giao dịch ngân hàng trực tuyến, ngày 18/12/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định số 2345) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Trong đó có quy định từ 1/7/2024, các giao dịch chuyển tiền điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học. Quy định trên hướng tới mục tiêu bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.

Tại họp báo Ngày thẻ Việt Nam 2024, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, sau 02 tháng triển khai Quyết định 2345, đến nay, đã có khoảng 37,4 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Trong hai tháng 7-8/2024, theo báo cáo của Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) trung bình một ngày có khoảng 25 triệu giao dịch, trong đó có khoảng 1,6 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng. Theo đó, hoạt động thanh toán vẫn diễn ra bình thường. Qua theo dõi số liệu báo cáo của các TCTD, số lượng vụ việc lừa đảo mất tiền của khách hàng và số lượng tài khoản có phát sinh nhận tiền lừa đảo ở các đơn vị đã giảm đáng kể, cụ thể: Số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8/2024 giảm khoảng 50% so với số vụ việc trung bình 7 tháng đầu năm 2024; Số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo trong tháng 8/2024 giảm khoảng 72% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024. Đặc biệt tại một số đơn vị đã không có phát sinh số lượng vụ việc trong thời gian tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua.

image

Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Anh Tuấn phát biểu tại họp báo

Thời gian qua, NHNN đã không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho phát triển TTKDTM và chuyển đổi số ngân hàng. Ngày 15/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về TKDTM. Theo đó, NHNN đã khẩn trương nghiên cứu, ban hành các Thông tư, văn bản hướng dẫn Nghị định như: Thông tư 15/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 quy định về cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, Thông tư 17/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; Thông tư số 18/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Thông tư 40/2024/TT-NHNN ngày 17/7/2024 quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) đã chú trọng phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như: xác thực, định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học thông qua Căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử VneID; ứng dụng thanh toán bằng thông tin sinh trắc học khuôn mặt (facepay); thanh toán một chạm, thanh toán xuyên biên giới bằng mã phản hồi nhanh QR…; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ thực tế ảo trong hoạt động cho vay, cấp tín dụng cho cá nhân, doanh nghiệp;… kết nối để thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, viện phí, học phí, giao thông, xăng dầu, đi chợ, gọi xe, mua bán hàng hóa dịch vụ… gắn với xuất hóa đơn điện tử vừa tạo thuận tiện cho khách hàng, rút ngắn thời gian giao dịch, giúp doanh nghiệp quản lý minh bạch tài chính và hỗ trợ công tác quản lý thuế.

Theo Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 87,08%. Đến nay, cả nước có trên 84 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 50 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động. Thanh toán, chuyển tiền qua Internet, điện thoại di động, QR Code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Trong 7 tháng đầu năm 2024  so với  cùng kỳ năm 2023, giao dịch TTKDTM tăng 58,44% về số lượng và 35,13% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 49,83% và 33,72%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 59,09% và 37,97%, giao dịch qua QR Code tăng 106,83% về số lượng và 105,51% về giá trị. Giao dịch qua ATM giảm 13,35% về số lượng và giảm 6,13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy xu hướng dịch chuyển của người dân sang thanh toán không tiền mặt.

Giáo dục tài chính hướng tới xã hội văn minh trong sử dụng dịch vụ thanh toán

Để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và số hóa ngân hàng, công tác truyền thông, giáo dục tài chính có vai trò quan trọng.

image

Bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) trả lời tại họp báo

Trả lời báo chí tại họp báo, bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) cho hay, NHNN đã và đang phối hợp các cơ quan báo chí để tổ chức các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, các Đề án của Chính phủ (Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025, Đề án thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế).

Bà Lê Thị Thúy Sen chia sẻ: “Để thực hiện các mục tiêu của các Đề án và Chiến lược nói trên, công tác truyền thông góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính-ngân hàng trên nền tảng số nói chung, trong TTKDTM nói riêng, từ đó thay đổi hành vi, hình thành thói quen tài chính tốt cho cộng đồng”.

Với sự chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng triển khai nhiều giải pháp, cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại nhằm gia tăng tiện ích, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, tăng cường an toàn, bảo mật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng dịch vụ tài chính, hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn.

 

image

Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà (ngoài cùng bên phải)

image

Hoa hậu Đỗ Thị Hà là Đại sứ Ngày thẻ Việt Nam 2024

Công tác truyền thông của NHNN đã không ngừng đổi mới, sáng tạo với nhiều hình thức, nội dung phong phú qua những sản phầm cụ thể. Với mục tiêu và nhiệm vụ như trên, thời gian qua, NHNN đã phối hợp tổ chức các chương trình giáo dục tài chính (tiêu biểu như Tiền khéo tiền khôn, Đồng tiền thông thái, Vũ trụ đồng tiền, cuộc thi Hiểu đúng về tiền, chuỗi sự kiện Nhà ngân hàng tương lai…). Bên cạnh đó, NHNN đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng Fanpage Giáo dục tài chính đã được tick xanh (https://www.facebook.com/giaoductaichinh.official) giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng, trong đó có TTKDTM, cảnh báo các chiêu trò lừa đảo của tội phạm công nghệ, hướng dẫn người dân cách sử dụng dịch vụ ngân hàng và các kỹ năng về an ninh, an toàn, bảo mật trong TTKDTM nói riêng và dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số nói chung.

Đồng thời, bà Lê Thị Thúy Sen chia sẻ: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, đột phá để có sản phẩm truyền thông chính sách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng, lan tỏa trong cộng đồng; hướng đến giới trẻ, đến người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa; hướng tới xã hội văn minh trong sử dụng các dịch vụ thanh toán. Các chương trình truyền thông hướng tới người tiêu dùng dịch vụ tài chính, trong đó có giới trẻ, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng dịch vụ tài chính. Để lan tỏa những kiến thức, kỹ năng tài chính, NHNN tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng và đặc biệt cần sự đồng hành của các cơ quan báo chí”.

 

Theo Ban Tổ chức, Ngày Thẻ Việt Nam là sự kiện thường niên được tổ chức bới Báo Tiền phong và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) trong suốt 04 năm qua. Năm nay, với chủ đề “Sống chill - Thanh toán chất” tiếp tục gắn với chủ trương thúc đẩy TTKDTM của Chính phủ và NHNN.

Nằm trong sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2024, Hội thảo chuyên môn với chủ đề: “Thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở” (dự kiến 02/10) nhằm hướng tới kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, với sự tham gia của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, một số Bộ, ngành, các chuyên gia, NHTM, các hoạt động thanh toán công nghệ.

Ngoài ra, chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam năm 2024 còn có một Tọa đàm hướng nghiệp với chủ đề: “Quản lý tài chính cá nhân - Cơ hội việc làm trong ngành tài chính - ngân hàng” (dự kiến 4/10) tập trung vào đối tượng là các bạn sinh viên đại học, cao đẳng,… trên địa bàn Thành phố Hà Nội nhằm cập nhật xu hướng quản lý tài chính cá nhân và lan tỏa cơ hội việc làm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đến nhóm đối tượng trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Cuối cùng, với sự kiện mua sắm và giải trí Sóng Festival diễn ra tại Sân vận động Đại học Bách Khoa Hà Nội (dự kiến 5-6/10) sẽ giúp giới trẻ Việt Nam và các ngân hàng có một sân chơi trực tiếp, đa dạng để tiếp cận, đưa ra các trải nghiệm về hình thức thanh toán hiện đại, tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập tại Việt Nam như thanh toán bằng thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless), NFC, thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua ứng dụng Mobile banking, … kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.

Theo NHNN Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết Website
Công khai kết luận thanh tra
Công ty tài chính
Ngân hàng hợp tác xã chi nhánh Tây Ninh
Chi nhánh tổ chức tài chính
/news/cac-chuong-trinh-tin-dung-nganh-linh-vuc/
Quỹ tín dụng nhân dân
Hệ thống ngân hàng thương mại
Ngân hàng chính xác xã hội tây ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay173
  • Tháng hiện tại2,129
  • Tổng lượt truy cập61,029
Chính phủ điện tử
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây