Chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội: Mang đến lợi ích thiết thực cho người dân

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cam kết sẽ đồng hành với các bộ, ngành liên quan đặc biệt là Bộ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và Kho bạc nhà nước để triển khai chính sách số hóa chi trả an sinh xã hội một cách hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống, lan tỏa thông tin để người dân thấy được lợi ích và tăng cường sử dụng dịch vụ”.
 

Tọa đàm “Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân”

Đó là chia sẻ của Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Lê Anh Dũng tại Tọa đàm “Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân” ngày 26/3 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức. Tham dự tọa đàm còn có đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; Kho bạc Nhà nước; Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia (NAPAS).

image

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Việc triển khai các giải pháp số hóa trong chi trả an sinh xã hội góp phần hiện thực hóa các nhiệm vụ và mục tiêu tại Quyết định số 1813- QĐ/TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 1813), Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt (Chỉ thị 21).

Tại Quyết định 1813, một trong những giải pháp đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công là: “Triển khai các giải pháp để hoàn thiện hạ tầng, cơ sở dữ liệu, thúc đẩy thanh toán điện tử trong các chương trình trợ cấp an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp”.

Tại Chỉ thị 21, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt đối với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Theo đó, đối với NHNN: Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong hướng dẫn triển khai chi trả qua tài khoản cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội từ ngân sách nhà nước.

Đối tượng chi trả an sinh xã hội thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý gồm người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác.

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán phát biểu tại tọa đàm

Thời gian qua, các bộ, ngành có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, triển khai đồng bộ các giải pháp số hóa trong thanh toán chi trả chính sách an sinh xã hội cho người dân thông qua ứng dụng VneID, qua đó đã mang lại những lợi ích hết sức thiết thực, cụ thể, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc đối với người dân, xã hội, đặc biệt là những người được thụ hưởng trực tiếp các chính sách về an sinh xã hội. 

Tại tọa đàm, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, thời gian qua, NHNN đã tham mưu ban hành nhiều chính sách, quy định tạo thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. NHNN đã chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thường xuyên nâng cấp hệ thống, tiện ích để cung ứng các nền tảng thanh toán liên thông, cho phép xử lý tức thời và vận hành 24/7 để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt có thể cho phép chi trả an sinh xã hội an toàn, tiện lợi, nhanh chóng đến người hưởng.

Phía các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã đầu tư hệ thống và nghiên cứu, phát triển các giải pháp dịch vụ để cung cấp các dịch vụ thanh toán an toàn, tiện lợi, đồng thời phát triển hệ sinh thái số đảm bảo sự liền mạch, thông suốt, tiện ích để đáp ứng cho người dân có nhu cầu chi trả an sinh xã hội.

“Chúng tôi cũng quan tâm đến yếu tố bảo vệ quyền lợi khách hàng, được lồng ghép trong các quy định, trong các Thông tư, bên cạnh đó ngành Ngân hàng cũng tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân, qua đó ngăn ngừa rủi ro trong quá trình sử dụng, giúp người dân và những đối tượng sử dụng dịch vụ an toàn, tiện lợi” – ông Dũng nói.

Ông Lê Anh Dũng tin rằng số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân được triển khai thành công sẽ mang đến lợi ích thiết thực cho người dân, cho người hưởng trợ cấp an sinh xã hội. Chưa kể đã có tiền lệ là cán bộ, công chức nhận lương nhanh chóng, kịp thời, an toàn qua tài khoản ngân hàng, kênh điện tử, việc trao đổi thông tin giữa các đơn vị chức năng cũng kịp thời, nhanh chóng.

Trước tiên, chi trả an sinh xã hội được số hóa sẽ an toàn hơn, nhanh chóng hơn, tránh xảy ra việc chi trả tiền trợ cấp nhầm, đảm bảo sẽ đến được tận tay người hưởng. Thứ hai, các cơ quan chức năng có quy trình số hóa cho phép khâu kiểm tra, kiểm soát, giám sát được thực hiện thông suốt, minh bạch và an toàn. Bên cạnh đó, các tổ chức cung cấp dịch vụ như Công ty cổ phần thanh toán quốc gia (NAPAS), ngân hàng cũng được hưởng lợi từ các lớp khách hàng được gia tăng. Các cơ quan chức năng sẽ phục vụ người dân tốt hơn đặc biệt thông qua VNeID có tính năng cho phép xác thực người hưởng. Ở đây thông tin đã được làm sạch, đảm bảo người hưởng là người thực tế được nhận tiền, Nhà nước không bị thất thu, tiền đến được đúng đối tượng.

Phối hợp giữa các Bộ ngành để chính sách đi vào cuộc sống

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán nhấn mạnh, chi trả an sinh xã hội là chủ trương lớn của Chính phủ, góp phần đem lại lợi ích cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này cũng có phần khó khăn so với các đối tượng khác, là nhóm đối tượng yếu thế hoặc có thu nhập thấp.

Ông Lê Anh Dũng cho biết, NHNN cam kết sẽ đồng hành với các bộ, ngành liên quan đặc biệt là Bộ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và Kho bạc nhà nước để triển khai chính sách số hóa chi trả an sinh xã hội một cách hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống để người dân thấy được lợi ích, lan tỏa thông tin và tăng cường sử dụng dịch vụ. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiên cứu chính sách miễn, giảm phí mở tài khoản gắn với an sinh xã hội, giúp người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn. Trong quá trình triển khai, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh liên quan đến quy trình nghiệp vụ và hạ tầng hệ thống cũng như chất lượng dịch vụ; đồng thời quan tâm lắng nghe những phản hồi từ phía những người mở tài khoản nhận trợ cấp an sinh xã hội để có những tham mưu đề xuất, tháo gỡ khó khăn.

Về phía NAPAS, ông Nguyễn Hoàng Long-Phó Tổng Giám đốc cho hay, trong triển khai hạng mục về chi trả an sinh xã hội, NAPAS là đơn vị đứng ra cung cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật để kết nối giữa hệ thống ngân hàng để chia sẻ dữ liệu và cho phép người dân, khách hàng thông qua ứng dụng VNeID để đăng ký số tài khoản ngân hàng và số tài khoản mobile money dùng để nhận chi trả an sinh xã hội.

Trong thời gian qua, NAPAS đã phối hợp với một số ngân hàng thành viên, cụ thể là BIDV, VCB, Vietinbank, Nam Á cũng như VNPT (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) để thực hiện thí điểm triển khai đăng ký tài khoản ngân hàng/tài khoản mobile money trên hệ thống VNeID và đã thực hiện thí điểm thành công.

Trong thời gian tới, sau khi C06 (Trung Tâm dữ liệu quốc gia về dân cư – Bộ Công an) thực hiện câp nhật chính thức tính năng an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID để toàn bộ người dân có thể lên đó đăng ký tài khoản ngân hàng và số tài khoản mobile money thì NAPAS sẽ cùng phối hợp thực hiện triển khai chính thức, rộng rãi.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, để chuẩn bị và triển khai hiệu quả chính sách số hóa chi trả an sinh xã hội cần có sự phối hợp tất cả các bên, cũng như sự chuẩn bị của từng đơn vị. 

Về phía NAPAS, phải đảm bảo yếu tố, phần cứng, phần mềm vận hành, duy trì hoạt động ổn định. Hệ thống hạ tầng máy chủ, mạng đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu năng, hiệu suất trong việc kết nối giữa ngân hàng sang hệ thống của C06. Bên cạnh đó, NAPAS phải chuẩn bị toàn bộ hệ thống quy trình, nghiệp vụ, cũng như con người để thực hiện việc vận hành, và trung tâm giám sát vận hành dịch vụ 24/7, kịp thời phát hiện lỗi, sự cố xảy ra và phối hợp cùng các bên xử lý nhanh nhất, đảm bảo mọi dịch vụ của NAPAS và hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân được thực hiện thông suốt.

Đại diện NAPAS cho biết, trong thời gian tới, NAPAS cũng sẽ phối hợp để triển khai các tiện ích giúp khách hàng, người dân có thể chi trả, thanh toán ngay các khoản phí, lệ phí cho các dịch vụ công và thực hiện qua phần mềm VNeID như: Xác minh hồ sơ pháp lý của người dân, việc đăng ký, làm mới, thay đổi căn cước công dân, cũng như một số dịch vụ khác… sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức đi lại của người dân, cũng như làm cho dịch vụ công được cung cấp qua nền tảng, phần mềm VNeID được thực hiện thông suốt và nhanh chóng.

Toạ đàm “Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân” đem lại góc nhìn khái quát, toàn diện về hoạt động chi trả chính sách an sinh xã hội hiện nay; những kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa chi trả an sinh xã hội; những tiện lợi, lợi ích, những chi phí được cắt giảm thông qua ứng dụng công nghệ số trong chi trả an sinh xã hội mà người dân, xã hội được thụ hưởng. Từ đó xác định nhiệm vụ, giải pháp đối với các bộ ngành, cơ quan hữu quan hữu quan nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số đối với hoạt động chi trả chính sách an sinh xã hội, qua đó đưa chủ trương của Chính phủ ngày càng được triển khai sâu rộng và hiệu quả trong thực tiễn đợi sống, mang lại các lợi ích thiết thực cho xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ đời sống dân sinh trong xã hội số.

Theo NHNN Việt Nam

WordPress Lightbox