HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG TÂY NINH – 6 tháng đầu năm 2018

Trong 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục  phát triển ổn định, các chỉ tiêu về vốn huy động, dư nợ cho vay tăng trưởng tốt, tỷ lệ nợ xấu giảm, thanh toán không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng doanh số thanh toán chung, các dịch vụ ngân hàng có xu hướng tăng cả về số món lẫn số tiền, chất lượng được nâng lên… qua đó đã góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

* Trong 06 tháng đầu năm trên địa bàn có thêm 01 chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã Tây Ninh khai trương hoạt động, đến nay trên địa bàn tỉnh có 41 TCTD, gồm 21 Chi nhánh ngân hàng thương mại, 01 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 01 chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã và 18 Quỹ Tín dụng nhân dân với 104 điểm giao dịch trên địa bàn tỉnh.

* Trong 06 tháng đầu năm, hệ thống Ngân hàng Tây Ninh đã tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách của Nhà nước và của Ngành nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/01/2018 về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2018; Thông tư số 01/2018/TT-NHNN ngày 26/01/2018 của Ngân  hàng Nhà nước Việt Nam về việc quy định về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; Công văn số 2215/NHNN-VP ngày 06/4/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp; Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 12/4/2018 của NHNN VN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo; Thông tư số 14/2018/TT-NHNN ngày 29/5/2018 của Ngân  hàng Nhà nước Việt Nam về việc hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; …

* Về lãi suất, lãi suất huy động, cho vay trong 06 tháng đầu năm khá ổn định. Đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa là 5,5%/năm; lãi suất huy động có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng mức tối đa là 7,9%/năm và lãi suất có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên mức tối đa là 8,5%.

          Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên là 6,5%/năm, một số Ngân hàng cho vay tối đa 5,0%/năm (quy định tối đa là 6,5%/năm đối với ngân hàng và 7,5%/năm đối với QTDND). Đối với lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh thông thường, cho vay tiêu dùng mức phổ biến từ 8% -10,5%/năm không biến động so đầu năm.

* Công tác huy động vốn luôn được các TCTD quan tâm tăng cường chăm sóc khách hàng, đồng thời duy trì các hình thức huy động phong phú, đa dạng với nhiều tiện ích… nên đã duy trì được mức tăng trưởng tốt. Vốn huy động ước đến cuối tháng 6/2018 đạt 39.395 tỷ đồng, tăng 5,0% so đầu năm, trong đó vốn huy động ngắn hạn đạt 26.041 tỷ đồng, tăng 4,9% so đầu năm, vốn huy động trung, dài hạn đạt 13.354 tỷ đồng, tăng 5,1% so đầu năm.

Trong tổng nguồn vốn huy động thì nguồn tiền gửi của tổ chức kinh tế ước đạt 8.511 tỷ đồng, tăng 10% so đầu năm; tiền gửi dân cư ước đạt 30.482 tỷ đồng, tăng 4,3% so đầu năm.

* Trong 06 tháng đầu năm dư nợ cho vay trên địa bàn tiếp tục có mức tăng trưởng khá, các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực được thực hiện có hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 6/2018 đạt 45.203 tỷ đồng, tăng 8,5% so đầu năm, trong đó dư nợ ngắn hạn ước là 29.165 tỷ đồng, chiếm 64,5%/tổng dư nợ, tăng 8,2% so đầu năm; dư nợ cho vay trung, dài hạn ước 16.038 tỷ đồng, chiếm 35,5%/tổng dư nợ, tăng 9,1% so đầu năm.

Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp ước đạt 13.625 tỷ đồng, tăng 9% so đầu năm với 1.161 doanh nghiệp; trong đó đối với doanh nghiệp dân doanh ước đạt 13.466 tỷ đồng, tăng 9% so đầu năm với 1.154 doanh nghiệp.

+ Kết quả cho vay một số Chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực ước đến 30/6/2018: Dư nợ cho vay Chương trình bình ổn thị trường đạt 185 tỷđ, tăng 20,0% so đầu năm; dư nợ cho vay chương trình nông thôn mới ước dư nợ đạt 28.979 tỷ đồng, tăng 9,0% so đầu năm; cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ước dư nợ đạt 22.790 tỷ đồng, tăng 10% so đầu năm; dư nợ cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp theo quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của TTCP đạt dư nợ 63,6 tỷ đồng với 26 khách hàng; cho vay chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp ước đạt 16.562 tỷ đồng, tăng 10% so đầu năm.

Nợ xấu của các TCTD trên địa bàn ước đến cuối tháng 6/2018 là 196 tỷ đồng, chiếm 0,43% tổng dư nợ, giảm so với tỷ lệ 0,45% của đầu năm./.

 

 

NHNN TÂY NINH

WordPress Lightbox