Hoạt động Ngân hàng Tây Ninh năm 2023

  Trong năm, hệ thống Ngân hàng Tây Ninh đã tổ chức triển khai quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, lãnh đạo địa phương về hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn. Nhìn chung, hoạt động ngân hàng tiếp tục phát triển ổn định; các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tăng cường công tác huy động vốn và hoạt động cho vay nên vốn huy động và dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng; nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp; các dịch vụ ngân hàng tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; hoạt động ATM thông suốt và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.

  1. Các TCTD chấp hành tốt quy định về lãi suất của NHNN Việt Nam. Sau khi NHNN Việt Nam có các Quyết định về điều chỉnh các mức lãi suất và chỉ đạo thực hiện giảm lãi suất cho vay, diễn biến mặt bằng lãi suất trên địa bàn theo xu hướng giảm chung của cả nước cả về huy động và cho vay cụ thể: Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức 3,5 – 4%/năm; có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng là 4,9 – 5,3%/năm; lãi suất có kỳ hạn trên 12 tháng là 5,3 – 5,7%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác phổ biến ở mức 8 – 9%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 10 -11%/năm.
  2. Vốn huy động ước đến cuối năm 2023 đạt đạt 65.850 tỷ đồng, tăng 7% so đầu năm (KH năm 2023 tăng từ 12 – 14%, năm 2022 tăng 15%); trong đó vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 6.302 tỷ đồng, tăng 4,5% so đầu năm và chiếm 9,6% tổng nguồn vốn huy động.

     Trong năm 2023, các TCTD tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác huy động vốn, quảng bá, chăm sóc khách hàng và triển khai nhiều sản phẩm huy động vốn phù hợp; tuy nhiên, do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế và mặt bằng lãi suất huy động giảm nên vốn huy động có mức tăng trưởng thấp so với các năm trước.

  1. Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối năm 2023 đạt 97.445 tỷ đồng, tăng 13,5% so đầu năm (KH năm 2023 tăng từ 13 – 15%, năm 2022 tăng 13%).

     Trong năm, tuy tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã có sự chuyển biến tốt lên qua từng tháng, từng quý nên nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh tăng; mặt khác các TCTD trên địa bàn đã triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam nên mức tăng trưởng tín dụng trong năm khá tốt.

  1. Nợ xấu của các TCTD trên địa bàn ước đến cuối năm 2023 chiếm 0,7% tổng dư nợ, tăng so với tỷ lệ 0,32% của đầu năm.
  2. Tình hình dư nợ các Chương trình tín dụng ước đến 31/12/2023

     5.1. Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn:

     – Cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 11.130 tỷ đồng, giảm (-5,8%) so đầu năm.

     – Cho vay xuất khẩu đạt 1.600 tỷ đồng, giảm (-26,3%) so đầu năm.

     – Cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 8.770 tỷ đồng, tăng 9,2% so đầu năm.

     5.2. Cho vay các chương trình khác

     Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ước đạt 55.800 tỷ đồng, tăng 7,4% so đầu năm và chiếm 58,8% tổng dư nợ.

  1. Trong tháng, Chi nhánh đã tổ chức thực hiện công tác thanh toán theo đúng Quy chế, Quy trình kỹ thuật nghiệp vụ thanh toán chuyển tiền điện tử trong hệ thống NHNN, đảm bảo thanh toán thông suốt, chính xác, an toàn. Các TCTD trên địa bàn tiếp tục phát triển các dịch vụ thanh toán đa dạng, nhiều tiện ích, dễ sử dụng để đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật.

     Hệ thống ATM/POS của các TCTD trên địa bàn đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định; hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp.

                                                                       NHNN TÂY NINH

WordPress Lightbox