Hoạt động Ngân hàng Tây Ninh Quý I/2021

         Trong quý I/2021, hệ thống Ngân hàng Tây Ninh đã tổ chức triển khai quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách và chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, lãnh đạo địa phương về hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn. Nhìn chung, hoạt động ngân hàng tiếp tục phát triển ổn định; các TCTD đã tăng cường công tác huy động vốn nên đến tháng cuối quý, vốn huy động bắt đầu tăng trưởng trở lại; dư nợ cho vay duy trì được mức tăng trưởng; nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp, tăng so đầu năm; các dịch vụ ngân hàng tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; hoạt động ATM thông suốt và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động Ngân hàng.

          * Trong quý lãi suất trên địa bàn tương đối ổn định so với năm 2020, các tổ chức tín dụng (TCTD) chấp hành tốt quy định về lãi suất của NHNN Việt Nam; hiện nay lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng của các ngân hàng thương mại (NHTM) tối đa là 4%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng mức tối đa là 6,4%/năm, mức phổ biến 5,2%/năm; lãi suất có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên mức tối đa là 7%, mức phổ biến 5,4%/năm.

          Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 05 lĩnh vực ưu tiên tối đa tại các NHTM là 4,5%/năm và tại các QTDND là 5,5%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường và cho vay tiêu dùng từ 7% – 11%/năm.  

          * Vốn huy động ước đến cuối tháng 3/2021 đạt 48.323,6 tỷ đồng, tăng 0,5% so đầu năm (cùng kỳ giảm 1,3%), tăng 0,7% so tháng trước; trong đó nguồn vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 8.556,5 tỷ đồng, chiếm 17,7% tổng nguồn vốn huy động, tăng 0,5% so đầu năm, tăng 0,1% so tháng trước.

        * Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 3/2021 đạt 70.175,5 tỷ đồng, tăng 2,7% so đầu năm (cùng kỳ 2,8%), tăng 1,2% so tháng trước.

       Trong quý I/2021, tuy tình hình dịch Covid – 19 còn diễn biến phức tạp, nhưng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh dịp Tết Nguyên đán và sản xuất vụ Đông xuân trên địa bàn tăng, cùng với việc các TCTD tiếp tục triển khai có hiệu quả các các giải pháp, các chương trình tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi do ảnh hưởng dịch Covid – 19 nên vốn tín dụng duy trì mức tăng trưởng tốt, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho kinh tế địa phương.

         * Nợ xấu của các TCTD trên địa bàn ước đến cuối tháng 3/2021 là 325,8 tỷ đồng, chiếm 0,46% tổng dư nợ, tăng so với tỷ lệ 0,32% của đầu năm.

          * Tình hình dư nợ các Chương trình tín dụng ước đến 31/3/2021:

          – Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn:

        + Cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 7.332,4 tỷ đồng, giảm 13,1% so đầu năm, tăng 1,9% so tháng trước.

          + Cho vay xuất khẩu đạt 2.538,5 tỷ đồng, giảm 5,6% so đầu năm, tăng 2,9 so tháng trước.

        + Cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 6.499,7 tỷ đồng, tương đương đầu năm, tăng 2% so tháng trước.

        + Cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 0,3 tỷ đồng giảm 92,4% so đầu năm.

         – Tín dụng chính sách đạt 2.692,4 tỷ đồng, tăng 0,5% so đầu năm, trong đó: Cho vay hộ nghèo đạt 188,6 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo đạt 188,9 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt: 312,9 tỷ đồng;…

          – Cho vay các chương trình khác:

        + Dư nợ cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 19,2 tỷ đồng.

        + Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 và Nghị định số 116 đạt 43.800 tỷ đồng, chiếm 62,4%/tổng dư nợ.

         – Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Đến cuối tháng 02/2021, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 310 khách hàng với tổng dư nợ là 230 tỷ đồng (trong đó: 07 doanh nghiệp với tổng dư nợ là 292,3 tỷ đồng); miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho 2.276 khách hàng với tổng dư nợ 4.703 tỷ đồng (trong đó: 90 doanh nghiệp với tổng dư nợ là 2.041 tỷ đồng); cho vay mới với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường, lũy kế từ 23/01/2020 đến 26/02/2021 cho 4.878 khách hàng với số tiền là 19.048 tỷ đồng (trong đó: 309 doanh nghiệp, số tiền là 14.575 tỷ đồng). Riêng ngân hàng Chính sách xã hội đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 94.633 khách hàng với tổng dư nợ là 338 tỷ đồng.

          * Chi nhánh đã tổ chức thực hiện công tác thanh toán theo đúng Quy chế, Quy trình kỹ thuật nghiệp vụ thanh toán chuyển tiền điện tử trong hệ thống NHNN, đảm bảo thanh toán thông suốt, chính xác, an toàn.

          Hệ thống ATM/POS của các TCTD trên địa bàn đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt; các TCTD đã triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Ngành về đảm bảo hoạt động ATM trong thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên trong thời điểm gần Tết Nguyên đán có một số ATM quá tải làm thời gian giao dịch chậm nhưng đã được các NHTM khẩn trương khắc phục kịp thời.

                                                                                                                    NHNN TÂY NINH

 

WordPress Lightbox