HỌP GIAO BAN NGÀNH NGÂN HÀNG TÂY NINH 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2020

          Sáng ngày 20/10/2020, Ngân hàng Nhà nước ( NHNN) chi nhánh Tây Ninh tổ chức Họp sơ kết hoạt động ngành Ngân hàng Tây Ninh 9 tháng đầu năm 2020. Tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Giám đốc, các Trưởng phòng thuộc NHNN chi nhánh Tây Ninh; Giám đốc các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô Quỹ CEP trên địa bàn.

Quang cảnh cuộc họp

Trong 9 tháng đầu năm 2020 hệ thống Ngân hàng Tây Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, đặc biệt là thực hiện tốt các chỉ đạo của NHNN VN theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN VN về việc quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid – 19; Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 của NHNN VN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid -19. Trong 9 tháng đầu năm 2020, tuy bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay vẫn duy trì được tăng trưởng, tuy nhiên thấp hơn so cùng kỳ, nợ xấu có tăng nhẹ nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp, các dịch vụ ngân hàng tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; hoạt động ATM thông suốt và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động Ngân hàng.

* Vốn huy động đến cuối tháng 9/2020 đạt 46.253 tỷ đồng, tăng 1,7% so đầu năm (cùng kỳ tăng 8,1%). Trong đó tiền gửi bằng đồng Việt Nam đạt 44.847 tỷ đồng, chiếm 98% tổng nguồn vốn huy động, tăng 1,6% so với đầu năm; tiền gửi ngoại tệ quy đổi đồng Việt Nam đạt 940 tỷ đồng, chiếm 2% tổng nguồn vốn huy động, tăng 68,7% so với đầu năm.

Trong 9 tháng đầu năm, Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thu nhập của người dân trên địa bàn nên công tác huy động vốn của các TCTD gặp nhiều khó khăn.

* Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 9/2020 đạt 63.576 tỷ đồng, tăng 8,2% so đầu năm (cùng kỳ tăng 12,5%), trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 42.374 tỷ đồng, chiếm 66,7%/ tổng dư nợ, tăng 9,2% so đầu năm; dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 21.202 tỷ đồng, chiếm 33,3%/tổng dư nợ, tăng 6,2% so đầu năm.

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Tây Ninh đánh giá cao kết quả nổ lực, cố gắng của các TCTD trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần cho sự ổn định phát triển của ngành Ngân hàng, kinh tế địa phương và trong định hướng, chỉ đạo các TCTD thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2020 như sau:

          – Tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của NHNN VN theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN VN về việc quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid – 19; Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 của NHNN VN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid -19.

          – Tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực phát huy thế mạnh của tỉnh; thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.

– Đảm bảo tăng trưởng tín dụng gắn với kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu mới phát sinh, một số TCTD có tỷ lệ nợ xấu cào cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để xử lý, kéo giảm tỷ lệ nợ xấu; tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN; xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp chậm xử lý, cố tình gây phiền hà, thiếu trách nhiệm trong triển khai chính sách cũng như các trường hợp lợi dụng chính sách để làm sai lệch chủ trương hỗ trợ khắc phục dịch.

– Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với khách hàng vay để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng.

– Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, nhất là thanh toán không dùng tiền mặt. Chủ động, tăng cường tiếp xúc với các cơ quan, tổ chức để cung cấp các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng.

– Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong công tác thanh toán, nhất là thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; Thường xuyên giám sát các quy trình nghiệp vụ và tuyên truyền Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng./.

Đ.V.C (NHNN CN TN)

 

 

 

 

WordPress Lightbox