Hoạt động Ngân hàng Tây Ninh tháng 5 năm 2022

     Trong tháng, hệ thống Ngân hàng Tây Ninh đã tổ chức triển khai quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, lãnh đạo địa phương về hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn. Nhìn chung, hoạt động ngân hàng tiếp tục phát triển ổn định; các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tăng cường công tác huy động vốn và hoạt động cho vay nên vốn huy động và dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng; nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp; các dịch vụ ngân hàng tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; hoạt động ATM thông suốt và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.

     * Trong tháng, các TCTD chấp hành tốt quy định về lãi suất của NHNN Việt Nam, cụ thể: Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng từ 2,5% – 4% năm; có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng từ 3,7% – 7,1% năm; lãi suất có kỳ hạn trên 12 tháng từ 4,2% – 7,4% năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác phổ biến ở mức 6%–  6,6% năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 7% năm  – 10% năm.

     * Vốn huy động ước đến cuối tháng 5/2022 đạt 59.430 tỷ đồng, tăng 11% so đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 4,7%) và tăng 0,7% so tháng trước; trong đó vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 6.320 tỷ đồng, tăng 10,6% so đầu năm và chiếm 10,6% tổng nguồn vốn huy động.

     * Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 5/2022 đạt 80.900 tỷ đồng, tăng 6,5% so đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 4,2%) và tăng 2,2% so tháng trước.

     Trong tháng, các TCTD trên địa bàn tiếp tục cho vay với mức lãi suất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng và thực hiện có hiệu quả Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, số 14/2021/TT-NHNN của NHNN Việt Nam nên vốn tín dụng duy trì mức tăng trưởng tốt và hỗ trợ tốt.

     * Nợ xấu của các TCTD trên địa bàn ước đến cuối tháng 5/2022 là 330 tỷ đồng, chiếm 0,41% tổng dư nợ, tăng so với tỷ lệ 0,68% của đầu năm.

     * Tình hình dư nợ các Chương trình tín dụng ước đến 31/5/2022

     – Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn:

     + Cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 9.777 tỷ đồng, tăng 7,4% so đầu năm, tăng 1,5% so tháng trước.

     + Cho vay xuất khẩu đạt 2.417 tỷ đồng, tăng 1,5% so đầu năm, tăng 3,4% so tháng trước.

     + Cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 7.866 tỷ đồng, tăng 7,5% so đầu năm, tăng 3% so tháng trước.

     – Dư nợ tín dụng chính sách ước đạt 3.166 tỷ đồng, tăng 6% so đầu năm; nợ xấu chiếm tỷ lệ 0,55%tổng dư nợ.

     – Cho vay các chương trình khác:

     + Dư nợ cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 5,2 tỷ đồng.

   + Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP đạt 49.597 tỷ đồng, tăng 5,2% so đầu năm và chiếm 61,3% tổng dư nợ.

     –  Về thực hiện chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Trong tháng, các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN Việt Nam về việc quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid – 19, các Thông tư sửa đổi, bổ sung (Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/09/2021) và hướng dẫn của Trụ sở chính. Kết quả đến 30/4/2022 Ngành Ngân hàng Tây Ninh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19: Dư nợ gốc được cơ cấu lại nợ và miễn, giảm lãi là 113 tỷ đồng với 1.169 khách hàng. Lũy kế đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn, giảm lãi vay cho 2.968 khách hàng với tổng dư nợ gốc là 3.127 tỷ đồng (trong đó có 43 doanh nghiệp với tổng dư nợ gốc là 2.629 tỷ đồng). Dư nợ cho vay mới với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường là 9.423 tỷ đồng với 10.565 khách hàng (trong đó có 292 doanh nghiệp với dư nợ 6.814 tỷ đồng). Lũy kế từ ngày 23/01/2020 là 53.075 tỷ đồng (trong đó doanh nghiệp là 36.864 tỷ đồng).

     – Ngân hàng Chính sách xã hội: Dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ còn đến 30/4/2022 là 738 tỷ đồng với 199.084 khách hàng. Lũy kế đến nay là 1.140 tỷ đồng với 256.824 khách hàng. Dư nợ cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 đến 30/4/2022 là 78,3 tỷ đồng của 05 doanh nghiệp với 10.523 lao động.

     * Trong tháng, Chi nhánh đã tổ chức thực hiện công tác thanh toán theo đúng Quy chế, Quy trình kỹ thuật nghiệp vụ thanh toán chuyển tiền điện tử trong hệ thống NHNN, đảm bảo thanh toán thông suốt, chính xác, an toàn; ban hành Thông báo số 379/TB-TNI ngày 11/5/2022 về thời gian gia hạn chứng thư số do NHNN cấp cho các QTDND trên địa bàn. Các TCTD trên địa bàn tiếp tục phát triển nhiều dịch vụ thanh toán trực tuyến với nhiều tiện ích, dễ sử dụng để đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật.

     Hệ thống ATM/POS của các TCTD trên địa bàn đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định; hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 206 ATM và 868 POS.

                                                                     NHNN TÂY NINH

WordPress Lightbox