HỘI NGHỊ GIAO BAN NGÀNH NGÂN HÀNG TÂY NINH 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

           Sáng ngày 01/10/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã tổ chức họp giao ban đánh giá kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021. Tham dự cuộc họp có các đồng chí trong Ban Giám đốc, các Trưởng phòng thuộc NHNN Chi nhánh tỉnh Tây Ninh; Giám đốc các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô Quỹ CEP trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh cuộc họp

 

         Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh tỉnh Tây Ninh, trong 09 tháng đầu năm hoạt động Ngân hàng Tây Ninh tuy bị ảnh hưởng nghiêm trọng đợt dịch Covid – 19 lần thứ 4, nhưng các chỉ tiêu hoạt động của Ngành vẫn giữ được mức tăng trưởng so với đầu năm và cùng kỳ; các dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển mạnh, nhất là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; hệ thống ngân hàng thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của địa phương, đồng thời duy trì hoạt động thông suốt, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động và tích cực tham gia đóng góp kinh phí cho công tác phòng, chống dịch covid – 19 của địa phương. Đặc biệt hệ thống Ngân hàng Tây Ninh đã triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các chính sách, chỉ đạo của NHNN Việt Nam về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch covid – 19.

       Tuy nhiên đợt bùng phát dịch lần thứ 4 cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ngân hàng, mức tăng trưởng tín dụng đạt thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm; nợ xấu của các TCTD trên địa bàn đang có xu hướng tăng;…

Một số chỉ tiêu ước đến cuối tháng 9/2021: Vốn huy động đạt 51.427 tỷ đồng, tăng 7% so đầu năm (cùng kỳ tăng 1,7%) và tăng 11,2 % so cùng kỳ; Tổng dư nợ cho vay đạt 70.734 tỷ đồng, tăng 3,5% so đầu năm (cùng kỳ tăng 8,2%) và tăng 11,3% so cùng kỳ. Nợ xấu 354 tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng dư nợ, tăng so với tỷ lệ 0,32% của đầu năm.

Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến 15/09/2021 các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.014 khách hàng với tổng dư nợ gốc là 2.010 tỷ đồng và 119 tỷ đồng tiền lãi; Doanh số cho vay mới với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường, lũy kế từ 23/01/2020 là 31.690 tỷ đồng, dư nợ đến 15/9 là 8.390 tỷ đồng với 3.583 khách hàng.

       Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 155.600 khách hàng với tổng dư nợ gốc được cơ cấu là 614 tỷ đồng; Dư nợ cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc theo Nghị quyết số 68/NQ-CP là 901 triệu đồng của 01 doanh nghiệp với 112 lao động; dư nợ gói 16.000 tỷ đến tháng 8/2021 là 238 triệu đồng.

       Việc giảm lãi suất cho khách hàng theo đồng thuận của Hiệp hội Ngân hàng của 16 TCTD trên địa bàn đến 15/9/2021: Đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu đến 31/12/2021 cho 86.890 khách hàng với dư nợ 32.434 tỷ đồng, số lãi được giảm là 104 tỷ đồng.

       Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Tây Ninh ghi nhận các ý kiến phát biểu và đánh giá cao sự nỗ lực của các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm. Đồng thời, đồng chí yêu cầu các đơn vị trong 03 tháng còn tại của năm 2021 tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

      – Hiện nay tình hình dịch covid – 19 đã từng bước được kiểm soát và với chiến lược phòng, chống dịch mới là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch covid – 19”, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế đã từng bước khôi phục do vậy các đơn vị cần tập trung đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho nền kinh tế với hồ sơ, thủ tục, thời gian thẩm định nhanh trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

       Tích cực triển khai quyết liệt, nghiêm túc với nhiều giải pháp hiệu quả để đảm bảo người dân, doanh nghiệp biết và tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng.

       – Kiểm soát chặt chẽ nợ xấu phát sinh mới; thực hiện phân loại nợ và trích lập đầy đủ dự phòng theo quy định; tăng cường xử lý nợ xấu, áp dụng triệt để các giải pháp xử lý nợ xấu nhằm kéo giảm tỷ lệ nợ xấu.

     – Tiếp tục phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật; kịp thời thông tin đến khách hàng những phương thức, thủ đoạn của tội phạm trong công tác thanh toán, hướng dẫn khách hàng xử lý khi gặp sự cố.

     – Tuân thủ nghiêm túc quy trình nghiệp vụ trong công tác kho quỹ; tăng cường kiểm tra, kiểm kê đột xuất, kịp thời kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các rủi ro tiềm ẩn, chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót đảm bảo hiệu quả hoạt động và tuyêt đối an toàn kho, quỹ tại đơn vị. Thường xuyên rà soát, bảo trì các thiết bị an toàn về kho quỹ, PCCC, bảo vệ trụ sở đảm bảo hoạt động thông suốt; quan tâm công tác trực bảo vệ trụ sở, duy trì hoạt động ATM thông suốt.

      – Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các hoạt động của đơn vị trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là về các Chương trình tín dụng, các gói tín dụng ưu đãi theo từng thời kỳ của đơn vị mình. Tiếp tục thực hiện tốt công tác Quốc hội và Quy chế phối hợp với các Sở Ngành./.

 

NHNN Tây Ninh

WordPress Lightbox