NGÂN HÀNG TÂY NINH SƠ KẾT HOẠT ĐỘNG 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2017

Ngày 16/6/2017, tại hội trường UBND tỉnh Tây Ninh, Đ/c Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh và Đ/c Nguyễn Tiến Phúc – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã chủ trì cuộc họp sơ kết hoạt động ngành Ngân hàng Tây Ninh để đánh giá tình hình hoạt động 06 tháng đầu năm 2017 và định hướng hoạt động 06 tháng cuối năm 2017.

GĐ_PHÚC

Tham dự cuộc họp có NHNN chi nhánh tỉnh Tây Ninh, 21 chi nhánh NHTM, NHCSXH tỉnh và 18 Quỹ tín dụng nhân dân; đại diện lãnh đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh; đại diện Hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ tỉnh Tây Ninh và một số doanh nghiệp hội viên.

 

Theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh Tây Ninh, hoạt động Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh 06 tháng đầu năm 2017 tiếp tục phát triển khá tốt, hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) ổn định, an toàn và hiệu quả. Ngành Ngân hàng Tây Ninh đã tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, định hướng và giải pháp của Ngành; tuân thủ nghiêm túc các quy định của Pháp luật và của NHNN Việt Nam; tích cực tham gia các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực và bám sát các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh để phục vụ… qua đó đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và chính sách tiền tệ của Ngành.

 

Vốn huy động ước đến cuối tháng 6/2017 là 34.620 tỷ đồng, tăng 6% so đầu năm; Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 6/2017 đạt 38.324 tỷ đồng, tăng 12% so đầu năm, trong đó dư nợ đối với pháp nhân là 10.059 tỷ đồng, tăng 22,2% so với đầu năm, với 851 pháp nhân và dư nợ đối với cá nhân là 28.265 tỷ đồng, tăng 8,8% so tháng trước với 257.703 cá nhân. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm dư nợ cho vay các doanh nghiệp trên địa bàn của ngành Ngân hàng Tây Ninh tăng khá cao (tăng 17,7%), trong đó doanh nghiệp dân doanh tăng 18%.

 

Trong công tác tín dụng, các TCTD trên địa bàn đã triển khai thực hiện khá tốt các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Ngành như cho vay nông nghiệp, nông thôn; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; chương trình kết nối Ngân hàng – doanh nghiệp; chương trình cho vay bình ổn thị trường… Tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho hộ nông dân bị thiệt hại do thiên tai cục bộ (cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới…), giúp nông dân khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.

 

Việc nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ cấu luôn được các TCTD quan tâm, tỷ lệ nợ xấu ước đến cuối tháng 6/2017 chiếm tỷ lệ 0,59%/tổng dư nợ.

 

Bên cạnh công tác tín dụng, các sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng khác cũng đã có mức phát triển khá tốt, nhiều TCTD đã đầu tư, trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại trong hoạt động, tăng chất lượng và tiện ích cho từng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Công tác đảm bản an ninh, an toàn trong hoạt động (bảo vệ trụ sở, kho quỹ, thanh toán qua mạng internet, ATM…) đã được các đơn vị trong ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đầy đủ các quy định của Ngành nên trong thời gian qua không xảy ra sự cố nào.

 

Tại cuộc họp đại diện Hội Doanh nhân trẻ và một số doanh nghiệp hội viên đã có một số kiến nghị, đề xuất với ngành Ngân hàng; đ/c Nguyễn Tiến Phúc, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã có ý kiến trao đổi, trả lời thỏa đáng các ý kiến, kiến nghị của Hội doanh nhân trẻ và các doanh nghiệp hội viên.

 

Kết luận cuộc họp, đ/c Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đánh giá cao kết quả hoạt động của Ngành trong 06 tháng đầu năm 2017, đã phục vụ có hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Định hướng cho hoạt động của ngành 06 tháng cuối năm 2017, đ/c thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ của ngành đã đề ra, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau:

 

– Trong 06 tháng cuối năm và thời gian tiếp theo, ngành Ngân hàng Tây Ninh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh, mở rộng hơn nữa công tác đầu tư tín dụng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nền kinh tế địa phương. Trong công tác tín dụng cần tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là 05 lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của ngành và 04 chương trình đột phát của tỉnh, trong đó quan tâm Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình phát triển du lịch.

 

– Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và chương trình tín dụng nhà ở xã hội.

 

– Đẩy mạnh cải tiến quy trình, thủ tục hồ sơ trong công tác tín dụng đơn giản hơn, chặt chẽ hơn, rút ngắn thời gian thẩm định, giải ngân… tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận vốn thuận lợi; công khai, minh bạch quy trình, thủ tục hồ sơ, lãi suất, phí tại trụ sở, cũng như trên website để khách hàng nắm bắt.

 

– Tiếp tục quan tâm ứng dụng mạnh mẽ công nghiệp thông tin hiện đại trong các mặt hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là trong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng cho khách hàng với nhiều tiện ích và đảm bảo nhanh chóng, chính xác, an toàn toàn và thuận lợi.

                                                                                                                                                         X.H

 

WordPress Lightbox