Sáng ngày 24/7/2019, Ngân hàng Nhà nước ( NHNN) chi nhánh Tây Ninh tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngành Ngân hàng Tây Ninh 6 tháng đầu năm 2019. Tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Giám đốc, các Trưởng phòng thuộc NHNN chi nhánh Tây Ninh; Giám đốc các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô Quỹ CEP trên địa bàn.
Toàn cảnh Hội nghị ngân hàng Tây Ninh quý II năm 2019
Theo báo cáo của Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2019 hệ thống Ngân hàng Tây Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, lãnh đạo địa phương về hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn. Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, các chỉ tiêu về vốn huy động, dư nợ cho vay duy trì được mức tăng trưởng, nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp; thanh toán không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ cao trên tổng doanh số thanh toán, các dịch vụ ngân hàng tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; hoạt động ATM thông suốt và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động Ngân hàng.
* Vốn huy động đến cuối tháng 6/2019 đạt 42.057 tỷ đồng, tăng 3,3% so đầu năm; trong đó vốn huy động ngắn hạn đạt 28.430tỷ đồng, tăng 3,5% so đầu năm; vốn huy động trung, dài hạn đạt 13.327 tỷ đồng, tăng 2,9,7% so đầu năm. Trong tổng nguồn vốn huy động thì nguồn tiền gửi đạt 41.773tỷ đồng, tăng 3,2% so đầu năm, trong đó tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt 9.748 tỷ đồng, tăng 5,4% so đầu năm; tiền gửi dân cư đạt 32.025 tỷ đồng, tăng 2,6% so đầu năm.
Trong 06 tháng đầu năm, các TCTD đã tăng cường công tác huy động vốn, tích cực quảng bá, tiếp xúc, chăm sóc khách hàng, đồng thời duy trì các hình thức huy động phong phú, đa dạng với nhiều tiện ích... nên đã duy trì được mức tăng trưởng vốn huy động. Tuy nhiên mức tăng vốn huy động trong 06 tháng đầu năm 2019 tiếp tục ở mức thấp (năm 2017 tăng 7,6%, năm 2018 tăng 5,8%) do tình hình khó khăn trong sản xuất nông nghiệp (giá cả của một số nông sản chủ lực ở mức thấp, tình hình dịch bệnh, xuất khẩu, tiêu thụ...) ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, doanh nghiệp và những biến động nóng của thị trường bất động sản tiếp tục thu hút một lượng lớn nguồn vốn đầu tư của xã hội.
* Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 6/2019 đạt 54.035 tỷ đồng, tăng 9,2% so đầu năm, trong đó dư nợ ngắn hạn là 35.139 tỷ đồng, chiếm 65%/tổng dư nợ, tăng 9,5% so đầu năm; dư nợ cho vay trung, dài hạn 18.896 tỷ đồng, chiếm 35%/tổng dư nợ, tăng 8,8% so đầu năm.
Tại Hội nghị đồng chí Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Tây Ninh đánh giá cao kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019 của ngành Ngân hàng trên địa bàn và định hướng, chỉ đạo các TCTD thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 như sau:
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chế độ, quy định của Ngành. Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh năm 2019.
- Sử dụng nhiều hình thức huy động phong phú, đa dạng với những điều kiện, điều khoản hấp dẫn; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp thị, có nhiều biện pháp quan tâm, chăm sóc khách hàng để đẩy mạnh tăng trưởng nguồn vốn huy động.
- Bám sát các định hướng, giải pháp của Ngành, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh để điều hành hoạt động kinh doanh đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh cho nền kinh tế địa phương, nhất là trong 05 lĩnh vực ưu tiên. Phát triển, nâng cao chất lượng, quy mô các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện có, đồng thời tiếp tục nghiên cứu cung ứng thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới trên nền tảng công nghệ hiện đại, nhiều tiện ích và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thường xuyên rà soát đơn giản hóa các thủ tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ; rút ngắn thời gian xét duyệt nhất là thủ tục vay vốn tạo thuận lợi nhất cho khách hàng tiếp cận vốn vay, đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng – doanh nghiệp. Tích cực, chủ động gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận vốn.
- Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát về hoạt động cấp tín dụng nhất là trong những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; tuân thủ đúng quy trình, quy định nội bộ và quy định của pháp luật sớm phát hiện những sai sót, những dấu hiệu tiếp tay cho các đối tượng cho vay nặng lãi để có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm quy định nội bộ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng và đảm bảo hoạt động của các TCTD an toàn và lành mạnh.
- Tiếp tục triển khai mạnh mẽ chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, NHNN Việt Nam như: Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017; chương trình cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013; chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; chương trình bình ổn thị trường; hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn Châu phi...
- Quan tâm triển khai các gói cho vay tiêu dùng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các khu công nghiệp, đối tượng người lao động nhằm hạn chế tín dụng đen nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng.
- Chấp hành nghiêm túc quy định của NHNN về lãi suất huy động tối đa bằng đồng Việt Nam và lãi suất cho vay đối với 05 lĩnh vực ưu tiên; áp dụng lãi suất cho vay hợp lý ở các lĩnh vực còn lại trên cơ sở lãi suất huy động, mức độ rủi ro của khoản vay, tiết kiệm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hộ dân.
- Tăng cường nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu mới phát sinh, tập trung phân tích xử lý thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro, nhất là xử lý thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, bảo đảm phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững.
- Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; tích cục, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; chủ động phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận, sử dụng các dịch vụ thanh toán bất hợp pháp; thường xuyên kiểm tra, nâng cấp các trang thiết bị an ninh nhất là các thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin của khách hàng tại các ATM; thường xuyên giám sát tình trạng hoạt động và lượng tiền còn tồn trong các ATM để kịp thời tiếp quỹ, bảo trì, bảo dưỡng, xử lý các sự cố khi có phát sinh.
- Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn kho quỹ tại các điểm giao dịch của các TCTD, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cướp tiền tại ngân hàng.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các hoạt động của đơn vị trên các phương tiện thông tin đại chúng; quảng bá các gói, các chương trình tín dụng ưu đãi nhất là các gói cho vay tiêu dùng, phục vụ đời sống các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp; xây dựng phong cách giao dịch văn minh hiện đại, nâng cao kỹ năng giao tiếp và phục vụ khách hàng.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đạt chất lượng tốt các báo cáo thống kê, báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề theo quy định.
Đ.V.C (NHNN CN TN)
Ý kiến bạn đọc