Tháng 8/2019, hệ thống Ngân hàng Tây Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, lãnh đạo địa phương về hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn. Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, các chỉ tiêu về vốn huy động, dư nợ cho vay đã đạt mức tăng trưởng tốt, nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp và giảm nhẹ so đầu năm; thanh toán không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ khá trên tổng doanh số thanh toán, các dịch vụ ngân hàng tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; hoạt động ATM thông suốt và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động Ngân hàng.
* Trong tháng lãi suất huy động và lãi suất cho vay tương đối ổn định và ở mức hợp lý. Các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn chấp hành tốt quy định về lãi suất của NHNN Việt Nam. Hiện nay lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước huy động mức tối đa là 5,2%/năm, mức phổ biến là 4,5%; đối với các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) mức tối đa là 5,6%/năm. Đối với lãi suất huy động có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng mức tối đa là 8,9%/năm, mức phổ biến 6,6%/năm; lãi suất có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên mức tối đa là 9,0%, mức phổ biến 7,0%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 05 lĩnh vực ưu tiên theo quy định không quá 6,5%/năm (QTDND: 7,5%/năm). Hiện nay các NHTM nhà nước cho vay tối đa là 6,0%/năm. Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường và cho vay tiêu dùng ở mức phổ biến từ 8,5– 11%/năm. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay chỉ từ 6,5–9,0%/năm.
* Vốn huy động ước đến cuối tháng 8/2019 đạt 44.029,1 tỷ đồng, tăng 2,4% so tháng trước (tăng 8,2% so đầu năm), trong đó vốn huy động ngắn hạn ước đạt 29.877,5 tỷ đồng, tăng 2,9% so tháng trước; vốn huy động trung, dài hạn ước đạt 14.151,6 tỷ đồng, tăng 1,5% so tháng trước. Trong tổng nguồn vốn huy động thì nguồn tiền gửi ước đạt 43.721,2 tỷ đồng, tăng 2,4% so tháng trước, trong đó tiền gửi của tổ chức kinh tế ước đạt 10.178,0 tỷ đồng, tăng 2,4% so tháng trước; tiền gửi dân cư ước đạt 33.543,2 tỷ đồng, tăng 2,4% so tháng trước. Nguồn vốn huy động phát hành giấy tờ có giá ước đạt 308,0 tỷ đồng, tăng 1,1% so tháng trước.
Trong tháng, các TCTD đã tăng cường công tác huy động vốn, triển khai các chương trình khuyến mại, tích cực quảng bá, tiếp xúc, chăm sóc khách hàng, đồng thời duy trì các hình thức huy động phong phú, đa dạng với nhiều tiện ích... nên vốn huy động đã đạt mức tăng trưởng tốt.
* Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 8/2019 đạt 54.875,7 tỷ đồng, tăng 1,0% so tháng trước (tăng 10,9% so đầu năm), trong đó dư nợ ngắn hạn ước là 35.665,1 tỷ đồng, chiếm 65,0%/tổng dư nợ, tăng 1,2% so tháng trước; dư nợ cho vay trung, dài hạn ước 19.210,5 tỷ đồng, chiếm 35,0%/tổng dư nợ, tăng 0,7% so tháng trước.
Trong tổng dư nợ, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp ước đạt 16.642,1 tỷ đồng, tăng 2,8% so tháng trước (tăng 11,1% so đầu năm) với 1.392 doanh nghiệp; trong đó, dư nợ đối với doanh nghiệp dân doanh ước đạt 16.413,5 tỷ đồng, tăng 2,8% so tháng trước với 1.385 doanh nghiệp. Trong tổng dư nợ, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh ước đạt 41.229,2 tỷ đồng, chiếm 75,1% tổng dư nợ, tăng 1,7% so tháng trước (tăng 11,5% so đầu năm); dư nợ cho vay tiêu dùng ước đạt 13.646,4 tỷ đồng, chiếm 24,9% tổng dư nợ, giảm 1,1% so tháng trước (tăng 9,4% so đầu năm).
Trong tháng, các TCTD tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng năm 2019, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, đa dạng hóa các sản phẩm; tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân góp phần hạn chế tín dụng đen; kiểm soát chặt chẽ vốn tín dụng đầu tư vào bất động sản, các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; tuân thủ đúng quy định pháp luật về tín dụng.
Tích cực giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; tiếp tục theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình cho vay các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, nhất là cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, đặc biệt là triển khai thực hiện Công văn số 4666/NHNN-TD ngày 19/6/2019 của NHNN VN về việc hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi; Công văn số 6277/NHNN-TD ngày 13/8/2019 của NHNN Việt Nam về việc triển khai Nghị quyết số 53/NQ-CP của Chính phủ về khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.
* Kết quả cho vay một số Chương trình tín dụng đến 31/7/2019:
- Dư nợ cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 51,6 tỷ đồng với 43 khách hàng.
- Dư nợ cho vay đối với ngành chăn nuôi lợn đạt 97,0 tỷ đồng; trong đó, dư nợ bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi chưa phát sinh.
- Dư nợ gói tín dụng 5.000 tỷ của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Tây Ninh đến cuối tháng 7/2019 là 61,965 tỷ đồng với 2.945 khách hàng.
* Nợ xấu của các TCTD trên địa bàn ước đến cuối tháng 8/2019 là 181,2 tỷ đồng, chiếm 0,33% tổng dư nợ, giảm so với tỷ lệ 0,36% của đầu năm.
* Trong tháng, các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định 2545/QĐ-TTg của TTCP và Kế hoạch của NHNN Việt Nam; đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội theo Quyết định 241/QĐ-TTg của TTCP. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị sự nghiệp công ký kết hợp đồng thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội… với nhiều chính sách ưu đãi như: Giảm phí dịch vụ, giảm lãi vay đối với các khoản vay mới phát sinh, cấp tín dụng thấu chi để thanh toán tiền điện… Công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong công tác thanh toán luôn được quan tâm, nhất là thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, không phát sinh sự cố.
Doanh số thanh toán tháng 8/2019 ước đạt 91.815,9 tỷ đồng, tăng 4,1% so tháng trước, trong đó doanh số thanh toán dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ 51,4%; doanh số thanh toán không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ 48,6%.
NHNN TÂY NINH
Ý kiến bạn đọc