Quý II/2019, hệ thống Ngân hàng Tây Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, lãnh dạo địa phương về hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn. Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, các chỉ tiêu về vốn huy động, dư nợ cho vay duy trì được mức tăng trưởng, nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp và tăng nhẹ so đầu năm; thanh toán không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ cao trên tổng doanh số thanh toán, các dịch vụ ngân hàng tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; hoạt động ATM thông suốt và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động Ngân hàng.
* Trong quý lãi suất huy động và lãi suất cho vay tương đối ổn định và ở mức hợp lý. Các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn chấp hành tốt quy định về lãi suất của NHNN Việt Nam. Hiện nay lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước huy động mức tối đa là 5,2%/năm, mức phổ biến là 4,5%; đối với các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) mức tối đa là 5,5%/năm. Đối với lãi suất huy động có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng mức tối đa là 8,4%/năm, mức phổ biến 6,6%/năm; lãi suất có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên mức tối đa là 8,7%, mức phổ biến 7,0%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 05 lĩnh vực ưu tiên theo quy định không quá 6,5%/năm (QTDND: 7,5%/năm). Hiện nay các NHTM nhà nước cho vay tối đa là 6,0%/năm. Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường và cho vay tiêu dùng ở mức phổ biến từ 8,5– 11%/năm. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay chỉ từ 6,5–9,0%/năm.
* Vốn huy động ước đến cuối tháng 6/2019 đạt 41.532,3 tỷ đồng, tăng 2,0% so đầu năm; trong đó vốn huy động ngắn hạn ước đạt 28.066,0 tỷ đồng, tăng 2,2% so đầu năm; vốn huy động trung, dài hạn ước đạt 13.466,4 tỷ đồng, tăng 1,7% so đầu năm. Trong tổng nguồn vốn huy động thì nguồn tiền gửi ước đạt 41.273,4 tỷ đồng, tăng 2,0% so đầu năm, trong đó tiền gửi của tổ chức kinh tế ước đạt 9.388,9 tỷ đồng, tăng 1,5% so đầu năm; tiền gửi dân cư ước đạt 31.884,5 tỷ đồng, tăng 2,1% so đầu năm.
Trong 06 tháng đầu năm, các TCTD đã tăng cường công tác huy động vốn, tích cực quảng bá, tiếp xúc, chăm sóc khách hàng, đồng thời duy trì các hình thức huy động phong phú, đa dạng với nhiều tiện ích... nên đã duy trì được mức tăng trưởng vốn huy động. Tuy nhiên mức tăng vốn huy động trong 06 tháng đầu năm 2019 tiếp tục ở mức thấp (năm 2017 tăng 7,6%, năm 2018 tăng 5,8%) do tình hình khó khăn trong sản xuất nông nghiệp (giá cả của một số nông sản chủ lực ở mức thấp, tình hình dịch bệnh, xuất khẩu, tiêu thụ...) ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, doanh nghiệp và những biến động nóng của thị trường bất động sản tiếp tục thu hút một lượng lớn nguồn vốn đầu tư của xã hội.
* Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 6/2019 đạt 53.895,9 tỷ đồng, tăng 9,0% so đầu năm, trong đó dư nợ ngắn hạn ước là 35.165,6 tỷ đồng, chiếm 65,2%/tổng dư nợ, tăng 9,6% so đầu năm; dư nợ cho vay trung, dài hạn ước 18.730,3 tỷ đồng, chiếm 34,8%/tổng dư nợ, tăng 7,9% so đầu năm.
Trong tổng dư nợ, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp ước đạt 19.274,3 tỷ đồng, tăng 28,7% so đầu năm với 1.518 doanh nghiệp; trong đó, dư nợ đối với doanh nghiệp dân doanh ước đạt 18.889,5 tỷ đồng, tăng 27,6% so đầu năm với 1.502 doanh nghiệp. Dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh ước đạt 37.832,7 tỷ đồng, chiếm 70,2% tổng dư nợ, tăng 2,3% so đầu năm; dư nợ cho vay tiêu dùng ước đạt 16.063,3 tỷ đồng, chiếm 29,8% tổng dư nợ, tăng 28,7% so đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm, Chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng năm 2019, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi; kiểm soát chặt chẽ vốn tín dụng đầu tư vào bất động sản nhất là trong thời điểm sốt đất hiện nay, các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, tuân thủ đúng quy định pháp luật về tín dụng. Tích cực giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; tiếp tục theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình cho vay các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, nhất là cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN VN và của lãnh đạo địa phương về triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, hạn chế “tín dụng đen”, trong 06 tháng đầu năm các TCTD trên địa bàn đã tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục hồ sơ vay vốn, rút ngắn thời gian thẩm định, giải ngân tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay; đồng thời chi nhánh NHCSXH và chi nhánh NH Nông nghiệp và PTNT đã triển khai thực hiện tốt các chỉ đạo của trụ sở chính:
+ Chi nhánh NH CSXH nâng hạn mức cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên mức 100 triệu đồng/hộ; kéo dài thời hạn trả nợ đối với hộ nghèo, cận nghèo từ 60 tháng lên 120 tháng.
+ Chi nhánh NH Nông nghiệp và PTNT triển khai gói tín dụng cho vay tín chấp 5.000 tỷ đồng giải quyết nhanh nhu cầu vay vốn đột xuất của cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh: Xét duyệt cho vay các khoản vay ngắn hạn trong thời gian 01 ngày với hạn mức tối đa 30 triệu đồng; thủ tục đơn giản, thời gian giải quyết nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng. Đến 31/5/2019, doanh số cho vay từ khi triển khai gói tín dụng là 36.150 triệu đồng, dư nợ là 26.750 triệu đồng với 1.085 khách hàng còn dư nợ.
* Kết quả cho vay một số Chương trình tín dụng ước đến 30/6/2019:
- Dư nợ cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 57 tỷ đồng với 43 khách hàng.
- Dư nợ cho vay Chương trình bình ổn thị trường đạt 355 tỷđ, tăng 5,0% so đầu năm.
- Dư nợ cho vay chương trình nông thôn mới ước dư nợ đạt 32.165 tỷ đồng, tăng 7,0% so đầu năm.
- Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP đạt 22.792 tỷ đồng, tăng 8,0% so đầu năm.
- Dư nợ cho vay chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp đạt 18.625 tỷ đồng, tăng 2,0% so đầu năm.
* Nợ xấu của các TCTD trên địa bàn ước đến cuối tháng 6/2019 là 224,5 tỷ đồng, chiếm 0,42% tổng dư nợ, tăng so với tỷ lệ 0,39% của đầu năm.
* Trong 6 tháng đầu năm, các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội theo Quyết định 241/QĐ-TTg của TTCP. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị sự nghiệp công ký kết hợp đồng thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội… với nhiều chính sách ưu đãi như: Giảm phí dịch vụ, giảm lãi vay đối với các khoản vay mới phát sinh, cấp tín dụng thấu chi để thanh toán tiền điện… Công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong công tác thanh toán luôn được quan tâm, nhất là thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, không phát sinh sự cố.
Doanh số thanh toán chung 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 421.504 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ, trong đó doanh số thanh toán dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ 50,8%; doanh số thanh toán không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ 49,2% (cùng kỳ 2018 chiếm 46,5%); số lượng ATM/POS đến nay trên địa bàn tỉnh có 183 ATM, 501 POS.
NHNN TÂY NINH
Ý kiến bạn đọc